Tựa
Tôi không phải là một nhà văn, mà tôi
chỉ là một người lính, lính tác chiến đúng nghĩa của danh từ, và những điều tôi
viết trong quyển sách này chỉ là một câu chuyện, câu chuyện thật một trăm phần
trăm được kể lại bằng chữ. Tôi viết những điều mà những thằng lính chúng tôi đã
trực tiếp tham dự nhưng không ai viết lại, trong khi nhiều người đã viết về những
chuyện chiến trường thì hình như chẳng có ai dự.
Trong lứa tuổi của tôi, lứa tuổi dưới
mười khi theo gia đình di cư từ Bắc vào Nam, ngoại trừ những người có thân nhân
ruột thịt bị giết bởi Việt Cộng, còn hầu hết, có bao nhiêu người thực sự căm
thù Việt Cộng đâu, vì rõ rệt một điều là từ lứa tuổi tôi trở xuống, có đứa nào
biết Việt Cộng là cái gì đâu. Cũng y như lứa tuổi dưới mười khi theo cha mẹ qua
Mỹ từ năm 1975 ở đây bây giờ. Cũng thù ghét Việt Cộng vậy, nhưng chỉ là cái thù
gia truyền, cha mẹ thù ghét thì mình cũng thù ghét theo thế thôi, chứ chẳng có
gì là sâu đậm cả. Cho đến khi lớn lên, đầu óc đã tạm đủ để suy xét thì khổ một
nỗi, hệ thống tuyên truyền của Việt Nam Cộng Hòa lại có giá trị phản tuyên truyền
nhiều hơn là tuyên truyền. Cho nên khi vào quân đội, tôi tình nguyện vào đơn vị
tác chiến thứ thiệt vì căm thù kẻ địch thì ít mà vì cái máu ngông nghênh của tuổi
trẻ, vì bị kích thích bởi những cảm giác mạnh của chiến trường thì nhiều.
Tuy nhiên, vì ở một đơn vị thường
xuyên tác chiến, cùng gian nguy, cùng sống chết với nhau nên tôi đã gắn bó với
bạn bè, đồng đội trong đơn vị như với anh em ruột thịt. Tôi yêu đơn vị tôi, tôi
yêu màu mũ, màu áo tôi, tôi yêu thuộc cấp tôi và tôi kính trọng thượng cấp tôi.
Tôi bình thản chấp nhận mọi thói hư tật xấu của thượng cấp và thuộc cấp, và
chính tôi cũng có quá nhiều thói hư tật xấu.
Nhưng, khi hai ông xếp lớn của tôi là
đại tá lữ đoàn trưởng và trung tá lữ đoàn phó bỏ lữ đoàn gồm bốn tiểu đoàn tác
chiến và các đơn vị phụ thuộc tổng cộng vào khoảng trên dưới bốn ngàn người
trong cơn quẫn bách để chạy lấy thân thì lòng căm hận của tôi đột nhiên bùng dậy.
Tôi giết Việt Cộng không gớm tay nhưng không bởi lòng căm thù vì giữa chúng tôi
và Việt Cộng đã có lằn ranh rõ rệt, hai bên chiến tuyến hẳn hòi, hễ cứ thấy mặt
nhau là giết, dùng mọi mưu mọi cách để giết nhau.
Còn đằng này, vừa mất niềm tin vừa tủi
nhục vì những người mình vừa kính trọng vừa phải tuân lệnh một cách tuyệt đối.
Làm thuyền trưởng thì phải sống chết
theo tàu, làm đơn vị trưởng thì phải sống chết theo đơn vị. Tôi muốn nói đến
tinh thần trách nhiệm của người chỉ huy. Người có quyền hành mà không có trách
nhiệm nào có khác gì kẻ phản bội. Chúng ta thua không phải vì kẻ địch mạnh mà
vì trong hàng ngũ chúng ta có quá nhiều kẻ phản bội và hèn nhát. Chính vì lòng
thù hận sự hèn nhát và vô trách nhiệm của cấp chỉ huy nên hình ảnh và diễn tiến
những ngày cuối cùng trước khi cả lữ đoàn tan rã và bị bắt bởi khoảng hơn một đại
đội du kích Việt Cộng vào nửa cuối tháng Ba năm 1975 đã như một cuốn phim nằm
in trong trí nhớ của tôi, chỉ cần một cái ấn nút là được chiếu lại một cách rõ
nét với đầy đủ những suy nghĩ và phản ứng của tôi, với từng diễn tiến nhỏ mà
tôi đã phải trải qua.
Tôi ôm cái kỷ niệm đau đớn và tủi nhục
này cả chục năm nay, qua những năm tù đày, qua những ngày tháng lang thang ở trại
tỵ nạn, qua đến Mỹ, tôi đọc được lời tuyên bố của một ông tướng cũ nào đó trên
báo đại khái "Ðể mất nước là tội chung của mọi người, làm lớn thì tội lớn,
làm bé thì tội bé". Tôi nghĩ ngay đến một điều là những thằng đâm sau lưng
chiến sĩ có tội, và những thằng chiến sĩ đưa lưng cho xếp của mình đâm cũng có
tội luôn. Ðiều này đã là cái ấn nút để tôi kể lại câu chuyện này.
Ðiều tôi muốn nói trong quyển sách
này là không ai là không quay lại nhìn chỗ mình vừa ngã, và cũng không ai là
không quay lại nhìn đống phân mình vừa thải. Ngã là lỗi của chính mình, và phân
có thối cũng là phân của mình, vậy mà tại sao cả chục năm nay vẫn không thấy ai
dám quay nhìn lại cái lỗi đã làm cho mình ngã lên ngay trên đống phân của mình,
mà chỉ có toàn những lời chửi bới và đổ lỗi cho người khác, can đảm lắm cũng chỉ
dám nhận một cái lỗi chung chung "lớn lỗi lớn, bé lỗi bé" đúng theo
cái kiểu "Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách". Thằng thất phu còn
có lỗi thì còn ai mà không có lỗi, tôi cũng đành có lỗi vậy.
Tôi không nhớ câu này của ai:
"Cái đám quân thần của triều đình cũ chẳng có gì phải ngại cả, vì khi có
quân có quyền trong tay họ còn chẳng làm được trò trống gì, thì bây giờ, chỉ
còn trơ lại có mỗi cái thân giá áo túi cơm, hỏi rằng họ sẽ làm được gì hơn
ngoài cái giá và cái túi".
Ðâu phải đất nước ta là một bàn cờ để
hễ đánh thua ván này, xóa đi xếp quân làm lại bàn khác mà tướng vẫn là tướng,
quân vẫn là quân. Ðâu phải những con xe, con mã, con chốt đã chết đi đều có thể
dựng đầu dậy để làm lại một trận mới.
Trí đã không mà dũng cũng không, chỉ
có mỗi cái tài dở dở ương ương là sử dụng một cách bừa bãi cái dũng của người
khác đến nỗi phải bỏ cả đất nước mà chạy, đánh lừa để bỏ hàng triệu thằng dám
chiến đấu tới cùng vào trong những trại tù đỏ, vậy mà vẫn còn dám chường mặt ra
đòi tiếp tục làm cha mẹ dân thì quả là quá lắm lắm. Cái dĩ vãng thối tha và hèn
nhát thì dù cho người đương thời có thể bỏ qua, nhưng lịch sử đâu có tha thứ. Vẫn
cái chính danh là chống Cộng nhưng cái ngôn của các ông trước kia làm xếp lớn
đã không thuận rồi, bây giờ phải để cho lớp người mới. Với tư thế mới, họ mới
là những người thuận ngôn. Danh chính ngôn thuận mới có thể thắng được Việt Cộng,
khôi phục lại được đất nước. Những con chốt thấp cổ bé miệng, những thằng bị đè
đầu sai khiến ngày xưa và những người mới lớn bây giờ mới có quyền nói và mới
là người có tư cách làm.
Quyển sách này không hề là một tiểu
thuyết mà là một hồi ký. Bởi vì tôi chưa từng là một người cầm bút và tôi cũng
không biết cách sắp xếp câu chuyện như thế nào. Tháng Ba thì mọi người
đã rõ, còn Gãy Súng , tôi muốn nói lên một điều đau lòng cho những thằng
lính cầm súng, khẩu súng mà không có đạn thì giá trị không bằng một khúc củi mục,
chính tôi đã dẫn đại đội xung phong lên chiếm mục tiêu mà chỉ bắn bằng mồm.
Súng của chúng tôi có phải là đã bị bẻ gãy không khi mà vẫn có thể tiếp tế đạn
cho chúng tôi để chúng tôi chiến đấu? Ai đã bẻ gãy súng của chúng tôi? Tôi đặt
chữ Gãy Súng cho quyển sách này là như vậy.
Và tôi gọi Tháng Ba Gãy Súng là
hồi ký vì tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về những điều tôi viết, tất cả những địa
danh, những tên người, tên đơn vị, tất cả những diễn tiến đều là thật, thật một
trăm phần trăm. Tôi không lồng vào đấy bất cứ một hư cấu nhỏ nào, chắc chắn là
tôi đã quên khá nhiều chi tiết, và với cấp bậc và chức vụ thấp kém của tôi, chắc
chắn là có rất nhiều dữ kiện mà tôi đã không được biết. Tôi viết lại hoàn toàn
sự thật những điều mắt thấy, tai nghe, những điều tôi đã nhận lệnh và đã thi
hành.
Nếu Tháng Ba Gãy Súng là tiểu
thuyết thì tôi lại phải thêm một câu màu mè đại khái "những nhân vật và những
sự việc đều do sự tưởng tượng của tác giả, mọi sự trùng hợp chỉ là ngẫu nhiên
ngoài ý muốn...", trong khi tôi chỉ có một điều ngoài ý muốn là tôi đã
không đủ khả năng để viết tất cả những điều tôi phải viết.
Cao Xuân Huy
Phần 1
Tôi
và thằng bạn lang thang khắp các quán nhậu, quán bia ôm trong thời gian thành
phố đang xôn xao về chuyện mất Ban Mê Thuột. Vừa mới xong vụPhước Long thương
khó , bây giờ lại đến Ban Mê Thuột "khó thương" .
Không biết lần này những nơi ăn chơi của trai thanh gái lịch Sài Gòn có bị đóng
cửa ba ngày như lần trước không? Nhưng cả chuyện mất Ban Mê Thuột lẫn chuyện
đóng cửa những nơi du hí chẳng ăn nhậu gì đến bọn tôi cả. Cho dù tất cả những
quán bia ôm bị đóng cửa, bọn tôi vẫn có thể lê la những quán cóc lề đường. Hơn
nữa, lúc này đã vào nửa cuối tháng lương mà ngày vui chắc chắn sẽ còn rất dài
nên chuyện ngồi quán cóc lại là điều hợp lý và hợp tiền. Thành ra với bọn tôi,
nhậu cái gì cũng là nhậu. Chúng tôi cần nhậu và sau đó xuống xóm tìm chị em ta,
thật giản dị và dễ tính. Quán cóc và các xóm chị em ta bảo đảm là không bị ảnh
hưởng một tí gì về chuyện thành phố phải để tang cho một địa danh nào đó vừa mất.
Tôi
cũng vậy. Phước Long mất; Ban Mê Thuột mất; Pleiku, Kontum đang chuẩn bị mất
tôi xem như "nơ pa", bởi vì tôi sống và lớn lên ở Sài Gòn nên tôi đã
thừa hưởng trọn vẹn cái thói thản nhiên, cái tính phớt tỉnh Ăng Lê hơn người
Ăng Lê của dân Sài Gòn. Thành thử một địa danh nào đó dù lớn dù nhỏ, vừa mất đi
hay vừa chiếm lại được nếu không ăn nhậu gì đến chuyện làm ăn của mình, chuyện
mất mát người thân của mình hay ảnh hưởng đến chuyện ăn chơi của mình thì dĩ
nhiên không phải là chuyện của mình. Tiếng súng ở ngoài tầm tai của mọi người
mà. "Tôi vẫn sống, tôi vẫn ăn và tôi vẫn thở...".
Tôi
đã trú đóng một thời gian ở Ban Mê Thuột, cũng có một ít kỷ niệm lăng nhăng về
tình cảm ở Ban Mê Thuột. Nhưng tôi không có tài sản, tôi không có thân nhân
đang ở hay đang đánh đấm ở Ban Mê Thuột, và những nơi ăn chơi của tôi ở Sài Gòn
không bị ảnh hưởng bởi chuyện mất Ban Mê Thuột, nên một năm mười hai tháng, chỉ
có mấy ngày là được ăn nhậu thoải mái, không phải lo bất cứ chuyện gì, vậy thì
tại sao tôi phải bận tâm về những chuyện không phải của mình? Mất hay không mất
Ban Mê Thuột thì đã sao?
La
cà ở các quán nhậu và sau đó xuống xóm đã là một chương trình bất di bất dịch
trong những lần phép ở Sài Gòn. Ðã có lần tôi viết thư cho một người bạn kể về
những lần phép và những ngày phép của tôi: "Ở Sài Gòn, suốt ngày tao chỉ
ngồi và nằm, ngồi với rượu và nằm với gái, vì cả năm sau đó tao không còn được
ngồi và nằm thoải mái nữa, và chưa chắc tao đã có thêm được một lần phép kế tiếp.
Lý do thật giản dị là mỗi buổi sáng mở mắt ra mới biết là mình đã sống thêm được
một ngày".
Thời
gian này tôi chỉ tiếc một điều là Rex vừa chiếu một xuất đặc biệt phimExorcist để
lấy tiền giúp đồng bào chạy loạn; giá vé thật đắt nhưng đã hết nhẵn từ chiều, kể
cả vé chợ đen đắt gấp ba bốn lần giá vé chính thức. Tôi đến trễ nên không mua được
vé. Không hiểu cả năm nữa tôi mới được về, chắc gì đã đúng vào dịp phim này được
chiếu lại. Tôi tiếc không phải vì tôi đã không được đóng góp chút đỉnh tiền
theo kiểu trước mua vui sau làm việc nghĩa để cứu giúp đồng bào mình, mà vì
phim này được quảng cáo hấp dẫn quá, tôi muốn được xem đã từ lâu rồi. Thôi thì
lại nhậu.
Ðến
ngày hết hạn trên giấy phép tôi ra trình diện hậu cứ ở Vũng Tàu để gia hạn, vì
tôi đã lên máy bay rời Huế chậm hơn ngày ghi trong giấy phép. Ðường Sài Gòn -
Vũng Tàu lúc này hơi mất an ninh nên những chuyến liên lạc giữa hậu cứ tiểu
đoàn với Bộ tư lệnh ở Sài Gòn thưa hơn trước. Trong khi chờ đợi quyết định của
tiểu đoàn trưởng ở hành quân, tôi la cà ở Bãi Trước để tránh phải nghe chuyện
ngồi lê đôi mách, nói xấu nhau của những bà vợ sĩ quan ở khu gia binh của hậu cứ.
Ăn
nhậu ở đây quá phí tiền nên không đợi tiểu đoàn trưởng gia hạn giấy phép - tôi
biết chắc chắn là tôi sẽ không được gia hạn - và cũng không đợi để đi theo chuyến
liên lạc, tôi tự động coi như mình đã hợp lệ chuyện kéo dài ngày phép, tôi lên
xe đò về Sài Gòn sau một chầu nhậu say mèm với bọn đệ tử ở hậu cứ. Thủ hai quả
lựu đạn trong túi quần cho chắc ăn, nhưng vừa bước chân lên xe tôi đã ngủ như
chết. Về đến Sài Gòn tên lơ xe còn phải lay một hồi lâu tôi mới tỉnh.
Tôi
lại liên miên sáng xỉn chiều say tối nằm quay với gái, mặc dầu đã hết cả những
ngày phép tự gia hạn. Nhưng nhằm nhò gì, tôi vẫn còn những ngày phép tự ký nữa
vì tôi là một thằng có biệt tài trễ phép. Tùy cơ ứng biến, tôi có trăm phương
nghìn kế để trễ phép mà không bị phạt. Tôi đã từng đi hai mươi tám ngày trong
khi phép chỉ có bốn ngày, ra đơn vị cũng chỉ cười trừ. Lần đi phép này, tôi đã
không định trễ, nhưng vì tôi đã bị tiểu đoàn trưởng giữ lại đơn vị đến qua Tết
ta trong khi giấy phép của tôi đã được gửi về hậu trạm trước Noël, nên không lý
do gì mà tôi không trễ phép để bù lại sự thiệt thòi vô lý đó.
Suốt
bảy năm lính tôi chỉ được ăn Tết lén ở Sài Gòn một lần vào đầu năm 70 vì tôi
tình nguyện đi học khóa Rừng Núi Sình Lầy ở Dục Mỹ để câu giờ kiếm cái Tết. Ðể
trả thù vì bị mất khơi khơi một cái Tết huy hoàng ở Sài Gòn tôi tính phải trễ
phép một tháng tức là phải ở Sài Gòn một tháng rưỡi mới hả dạ. Tôi được phép thưởng
đặc biệt mười lăm ngày, cho nên đã hết những ngày phép tự gia hạn, tôi còn đến
một tháng phép tự ký nữa. Thiếu một thằng sĩ quan tại một đại đội lúc nào cũng
có sẵn hai, ba thằng sĩ quan dự bị thì đâu có nhằm nhò gì, mợ đi lấy chồng thì
chợ vẫn vui mà.
Nhưng
chợ đã không vui.
Chiều
15 tháng Ba, tôi gặp thiếu úy Bé Quân Cảnh vừa từ Bộ tư lệnh hành quân về, cho
biết tiểu đoàn tôi đang đụng lớn. Tiểu đoàn tôi nằm ở cây số 23 về phía bắc
trên quốc lộ 1 tính từ Huế. Khu vực trách nhiệm của tiểu đoàn từ bờ bắc sông An
Lỗ ra đến căn cứ Hòa Mỹ. Sát sông An Lỗ là hai làng Cổ Bi và Hiền Sĩ, nơi đã xảy
ra những trận đánh lớn sát quốc lộ, và hiện nay vẫn đang bị đặc công và du kích
quấy phá, nhưng chỉ là quấy phá chứ không có gì đáng ngại. Sát căn cứ Hòa Mỹ là
làng Ðồng Lâm, một cái làng mà hầu như từ trưởng ấp trở xuống đều là Việt Cộng.
Phía đông là bãi cát mênh mông, có một ít dân Quảng Trị chạy loạn về tạm cư lập
thành một vài xóm nhỏ, tương đối an toàn. Còn về phía tây của vùng trách nhiệm,
nơi đối diện thực sự với Việt Cộng, nơi mặt đối mặt, có chạm tuyến, có điểm
đóng quân, nơi phía tây này có một trọng điểm là đồi 51. Từ đồi 51, chúng tôi
có thể quan sát được những cuộc chuyển quân, kiểm soát được những hoạt động tại
các vị trí của Việt Cộng, và cũng từ đồi 51, Việt Cộng có thể kiểm soát được
các vị trí đóng quân của chúng tôi, kể cả một đoạn quốc lộ 1. Việt Cộng có thể
dễ dàng liên lạc với bọn du kích nằm trong làng Ðồng Lâm, nằm ngay sát quốc lộ
và ngay bên cạnh căn cứ Hòa Mỹ.
Nếu
tiểu đoàn tôi đụng lớn, chắc chắn là đụng tại đồi 51. Tính theo vòng thay đổi
điểm đóng quân trong tiểu đoàn thì đại đội tôi đang nằm ở đồi 51.
Ban
Mê Thuột mất không ăn nhậu gì đến tôi. Người ta đang bỏ Pleiku, Kontum cũng chẳng
nhằm nhò gì đến tôi. Nhưng đồi 51, một ngọn đồi nhỏ không có tên, chúng tôi phải
lấy cao độ của nó để đặt cho nó một cái tên cho dễ gọi, nơi mà không một người
Sài Gòn nào nghe nói đến, nơi mà dù có mất nó cũng không đáng để cho người ta
xê dịch cái kim hay đổi màu bút chì mỡ trên bản đồ chiến sự trong những báo cáo
hằng ngày, nơi mà bản tin chiến sự hằng ngày của đài phát thanh quân đội cũng
không buồn đọc, nơi mà báo chí hằng ngày cũng coi như không đáng đăng bằng tin
xe cán chó, thì chính nó, cái đồi trọc lóc, nhỏ xíu và lùn tịt nằm ở cực bắc Việt
Nam Cộng Hòa, lại là điều rất quan trọng đối với tôi, đã làm tôi bỏ ăn bỏ nhậu,
đã làm tôi đang phè phỡn phải tìm mọi cách ra đến nơi càng sớm càng tốt. Nó mạnh
hơn những ngày phép trả thù của tôi, nó hạ đo ván tất cả những lý do, những cái
mánh tôi đang sắp xếp để qua mặt Tiểu đoàn trưởng, vì đó là ngọn đồi mà đại đội
tôi đang trấn đóng, nơi mà anh em bè bạn, thầy trò của tôi không biết thằng sống
thằng chết ra sao.
Sáng
16 tháng Ba, tôi lên trình diện Bộ tư lệnh, phòng Tư cho biết ít ra phải cả tuần
nữa mới có được tên trong danh sách của chuyến bay ra Ðà Nẵng - phi trường Phú
Bài đã không sử dụng được vì nằm trong tầm pháo của Việt Cộng. Lúc ăn điểm tâm
tại Thị Nghè sáng ngày 17 tôi đã năn nỉ thượng sĩ Tuấn, người phụ trách lập
danh sách cho các chuyến bay của Sư đoàn để được có tên trong chuyến bay ngày
18.
Chiều
17 tháng Ba, tôi chào gia đình để đi. Bà ngoại ôm tôi khóc. Mẹ tôi không muốn
tôi đi. Và cậu tôi - tuy là em của mẹ tôi nhưng ông mới chính là bố tôi vì ông
đã nuôi tôi từ ngày còn đỏ hỏn cho đến khi tôi bước chân vào đời - khuyên tôi
nên đào ngũ vì tình hình theo ông biết là Mỹ sẽ bỏ rơi Việt Nam. Ông nói:
"Tình
hình lúc này không còn được như trước nữa đâu con ạ! Những người Mỹ cậu quen đã
lục tục về nước gần hết, chỉ còn ít người ở lại để thu xếp công việc, cậu chắc
là rồi họ cũng sẽ đi nay mai gì đó thôi. Tốt nhất là con nên ở nhà để còn lo liệu
cho gia đình. Nhà mình chỉ có cậu với con là đàn ông thôi."
Tôi
tin là ông nói thật. Dĩ nhiên là ông không nói hết những điều ông biết nhưng
ông cho tôi một lời khuyên gói trọn tất cả những điều ông cần nói. Sự quen biết
của ông đủ để bảo đảm những điều ông nói nên tôi tin là ông thực sự muốn tôi
đào ngũ ở nhà để tránh phải húc đầu vào những trận đánh vô ích. Nhưng tôi không
nghe lời ông. Chắc chắn là Mỹ không bỏ Việt Nam, bao nhiêu xương máu và của cải
của Mỹ đã đổ xuống đây rồi. Và hiện giờ Mỹ chỉ không tăng viện trợ chứ Mỹ đâu
có cắt hết viện trợ. Chúng tôi đã chẳng phải chiến đấu theo kiểu nhà nghèo từ
sau ngày ngưng bắn rồi ư. Còn một điều nữa là bạn tôi, anh Phát làm ở Hạ Viện,
cho biết là sẽ cắt đất hoặc ở An Lỗ hoặc ở Lăng Cô.
Hơn
nữa, còn đồng đội tôi, còn đàn em tôi, còn danh dự tôi. Tôi sẽ ăn nói thế nào với
họ khi mà tôi, thằng Huy Râu của tiểu đoàn 4 đào ngũ khi đơn vị đụng trận.
Riêng chuyện trễ phép trong khi đại đội bị tấn công ở đồi 51 đã không đủ nhục
hay sao, không lẽ bây giờ tôi lại bỏ mặc tụi nó, đào ngũ để lo cho thân mình vì
chuyện khó tin chưa xảy ra. Không, cậu tôi nói thật nhưng chỉ là điều ông căn cứ
vào những tin tức từ bạn bè, người quen của ông; còn tôi, tôi không thể nghe lời
ông vì tôi không muốn là một thằng hèn. Tôi nói với ông: "Sống chết sướng
khổ gì cũng có số hết cậu ạ. Cháu không muốn phải ngượng mỗi lần gặp lại bạn
bè, đồng đội."
Tôi
không phải là một người hùng, nhưng tôi cũng không phải là một người hèn. Tôi
chỉ là một người lính, lính của một binh chủng chuyên môn đánh trận và chỉ nhận
những người tình nguyện; tôi phải xứng đáng với màu mũ tôi đang đội, màu áo tôi
đang mặc, và hơi cá nhân một chút, tôi phải xứng đáng với cặp lon tôi đang
đeo... Nhưng tôi cũng không phải là một người lính gương mẫu, đúc khuôn theo những
điều được huấn luyện trong quân trường, thi hành đúng 8 điều, 10 điều tâm niệm
của mấy ông Chiến Tranh Chính Trị đẻ ra mà chính mấy ông ấy lại không bao giờ
thi hành. Tôi là một thằng lính ba gai, cờ bạc, rượu chè, trai gái đủ cả nhưng
đánh giặc cũng rất tận tình. Chưa một ai, thượng cấp cũng như thuộc cấp, phải
than phiền về tôi trong những trận đánh.
Trưa
18 tháng Ba, ra đến Ðà Nẵng, tôi phải ngủ lại một đêm vì không có xe ra Huế. Bộ
tư lệnh hành quân đang chuyển từ Hương Ðiền Huế vào căn cứ Non Nước Ðà Nẵng.
Xe
cộ đang dành ưu tiên để chuyển các tiểu đoàn của Lữ đoàn 258 và 369 vào Ðà Nẵng
thay cho các tiểu đoàn Dù rút về Sài Gòn.
Ngoại
trừ phi trường Ðà Nẵng rất đang chộn rộn về những đống quan tài phủ cờ được đưa
về Sài Gòn và những người dân Pleiku, Kontum được di tản bằng máy bay đến, nhịp
sống của những người dân trong thành phố hình như không có gì thay đổi. Tôi và
mấy người lính cùng tiểu đoàn lại lang thang trong thành phố để tìm các quán nhậu
và xóm chị em ta. Cà phê, xi nê, vũ trường vẫn đông đảo tấp nập. Buổi tối chúng
tôi còn kéo nhau đến xem hội chợ tại một trường nữ trung học nhân dịp lễ kỷ niệm
một nữ anh hùng nào đó trong lịch sử mà tôi không nhớ. Người ta vẫn ăn diện, người
ta vẫn chơi bời, người ta vẫn vui vẻ thoải mái, đường xá vẫn rất nhộn nhịp.
Sinh hoạt bình thường này đã làm yên lòng những người dân vừa từ Quảng Trị và
Huế chạy vào.
Căn
cứ chuyển vận vẫn tối tăm, hôi hám và bẩn thỉu như thuở nào, vẫn nhộn nhịp và ồn
ào vì chưa bao giờ được yên tĩnh. Những ông già mệt mỏi và những người đàn bà xốc
xếch đang vật vã khóc quanh những quan tài phủ cờ được mang để ở đây không biết
từ lúc nào, và cũng không biết đến bao giờ mới được mang đi. Máy bay đã không
còn chỗ cho những chiếc quan tài này, và đường thủy cũng chỉ nhận mỗi ngày một
số rất hạn chế.
Có
cả xác của những người lính của tiểu đoàn tôi đã nằm đợi ở đây bốn, năm ngày.
Và thân nhân của họ ở đâu miệt lục tỉnh cũng đã ra đến, xác của họ phải được
mang đi gấp vì họ chết ít ra cũng đã hơn một tuần, không hiểu thứ tự ưu tiên của
căn cứ được sắp xếp thế nào mà xác họ vẫn còn để đây. Và điều này cũng làm tôi
thắc mắc là từ ngày Sư đoàn tôi ra Quảng Trị, chúng tôi vẫn có những chuyến bay
riêng để tiếp tế, tải thương, tải xác... tại sao bây giờ chúng tôi lại phải tải
xác qua hệ thống chuyển vận của căn cứ này? Tôi được yêu cầu đứng ra can thiệp
nhưng chẳng đi đến đâu cả, chỉ nhận được những lời hứa, mà lời hứa thì giá trị
khỉ gì trong lúc này!
Chúng
tôi lại kéo nhau ra cái quán nằm xế cổng căn cứ nhậu tiếp. Lại nhậu, mặc dầu mấy
thằng chỉ còn một cây thuốc Capstan đem theo để đổi rượu. Tại quán nhậu, tôi gặp
mấy người lính Lôi Hổ đóng tại Ðà Nẵng, họ cho biết nửa khuya này họ phải nhảy
vào Ban Mê Thuột. Tôi nghĩ bụng quả là chó má khi cố tình giết thêm một ít người
nếu đúng như họ phải nhảy vào Ban Mê Thuột. Hy vọng điều này không đúng với sự
thật. Quyết định thí quân hay quyết định sai lầm của một cấp chỉ huy có thể giết
chết hàng đơn vị lớn cũng không đáng trách, nhưng quyết định thảy một toán lính
vào một nơi mà hàng sư đoàn không chống giữ nổi, kéo theo cả một quân đoàn phải
rút chạy thì cái chết của họ phí quá. Ai là người chịu trách nhiệm về những cái
chết kỳ cục vô ích này? Lính cũng là người chứ đâu phải đồ chơi cho những ông xếp
lớn!
Trưa
19 tháng Ba, tôi ra đến Huế. Sinh hoạt ở đây rất vội vã, vội vã chứ không ồn
ào. Hình như người dân ở đây đã quá quen với những lần phải bỏ nhà bỏ cửa chạy
lấy người, và hình như những người chuyên gây ra chuyện ồn ào đã bỏ chạy từ trước
rồi. Những người nhà giàu đã vào Ðà Nẵng hoặc Sài Gòn, những người trung lưu
cũng đã vào Ðà Nẵng trú thân, cái vội vã chỉ xảy ra ở những người buôn bán nhỏ,
hoặc ở những người còn cố nán lại ở thành phố để kiếm thêm chút
"cháo".
Tôi
cũng vội vã không kém. Tôi phải mua ít đồ lặt vặt để đi gấp ra tiểu đoàn trong
buổi chiều để còn kịp về đến đại đội trước khi trời tối. Tôi không thể đợi đến
ngày hôm sau đi theo chuyến tiếp tế vì tiểu đoàn trưởng ra lệnh tôi phải ra
hành quân ngay trong ngày bằng mọi giá. Vả lại, tôi cũng không thích nhìn thành
phố Huế đang trên đà giãy chết này nên ra hành quân cho êm chuyện.
Xuống
xe tại sân tiểu đoàn, tôi gặp một thiếu tá rất lạ mặt đang đứng với tiểu đoàn
trưởng ở cửa lều ban Ba. Tôi trình diện. Ông thiếu tá lạ hoắc đó tên là Thành
cũng mang bảng tên màu đỏ của tiểu đoàn. Ông bắt tay tôi và hỏi tiểu đoàn trưởng:
"Ông
sĩ quan này đây hả?"
Nghe
câu này, tôi biết chắc là hai người đã nói chuyện về tôi, và dĩ nhiên không phải
là nói tốt. Nhằm nhò gì! Tiểu đoàn trưởng không trả lời, quay sang nói với tôi:
"Ðụ
mẹ, ông về đại đội liền bây giờ."
"Ðại
đội tôi nằm đâu, thiếu tá?"
"Ðụ
mẹ, không biết, ông đi cho khuất mắt tôi đi!"
Tiếng
chửi thề của ông rất nhỏ nhưng tôi biết ông chửi thề vì thấy môi ông mấp máy trước
khi nói. Tôi chào và quay đi với một chút thích thú, đâu phải thằng nào cũng
làm cho "Hitler" chửi thề được, dù chỉ chửi lẩm bẩm trong miệng. Ông
đuổi tôi đi ngay lập tức, tức là tôi không phải trả lời ông về lý do trễ phép,
dĩ nhiên như vậy tôi đâu có bị phạt. Ra đến Huế, hậu trạm đã cho tôi biết đại đội
bị "banh ta lông" ở đồi 51 không phải là đại đội tôi, như vậy, cái
gánh nặng trong người tôi đã được trút bỏ, chỉ còn mỗi cái gánh nhè nhẹ là bị
phạt này bây giờ cũng được tháo bỏ nốt.
Trung
úy Xuân đại đội trưởng đại đội chỉ huy cho tôi biết là thiếu tá Thành sẽ thay
thế thiếu tá Toàn làm tiểu đoàn trưởng, hẳn là hai ông đã bàn giao cả cái ba
gai của tôi. Ðại úy Phó đang tập sự làm trưởng ban Ba để đi với thiếu tá Toàn
qua tiểu đoàn 18, đại đội 3 của đại úy Hiếu đã qua tiểu đoàn 14 trước, còn đại
đội mới thành lập của đại úy Chiêu nay trở thành đại đội 3 đã "banh"
mất nửa đại đội tại đồi 51, thiếu úy Sáng đại đội phó chết cùng với lính, trong
số chết có thằng Hiếu, tên cao bồi ruột của tôi.
Khi
thành lập đại đội mới, tôi chắc mẩm là qua làm đại đội trưởng nên đã đưa Hiếu
qua trước để khi tôi qua khỏi bị rắc rối giấy tờ, nhưng cuối cùng đại úy Chiêu
làm đại đội trưởng và thiếu úy Sáng làm đại đội phó, tôi gửi Sáng thằng Hiếu,
đâu ngờ tôi đã gửi thằng Hiếu cho cái chết.
Tôi
cũng được biết đáng lẽ đại đội 4 tôi lên nằm đồi 51 theo đúng vòng luân phiên
nhưng vì thiếu đại đội phó -là tôi- nên đại đội 3 đã lên thay. Như vậy, chuyến
đi phép của tôi đã cứu tôi và cứu nửa đại đội của tôi, nhưng chuyến đi phép của
tôi đã làm chết oan Sáng và nửa đại đội của Sáng. Ðồi 51 đã được đại đội 2 lấy
lại sau đó một ngày, giải thoát được một tiểu đội còn bám lại và lấy lại toàn bộ
vũ khí bị mất, chỉ thiếu có bộ phận máy nhắm của một khẩu súng cộng đồng, đồng
thời tịch thu được khá nhiều vũ khí. Xác lính thiếu mấy cái được kể như mất
tích. Xác thiếu úy Sáng cởi trần và không có thẻ bài, được nhận diện bằng cái ống
quần chật cố hữu và cái khóa thắt lưng đặc biệt, loại chỉ có khung mà không có
mặt.
Sáng
và tôi ở hai đơn vị khác nhau, học cùng một khóa ở Rừng Cấm, trung tâm huấn luyện
của sư đoàn, cùng về đại đội một ngày, tuy mỗi thằng chỉ huy một trung đội nhưng
thường đi cặp với nhau trong những trận ủi bãi. Hai thằng tôi còn là một cặp
tri kỷ về nhậu. Sáng, tôi và Thiện - đã đi đơn vị khác - được mệnh danh là ba
cái nắp nhạo. Sáng đeo lon chuẩn úy hơi lâu trên cổ - bốn năm - mà không vì một
lý do nào hết, là một trung đội trưởng kỳ cựu nhất tiểu đoàn - hơn ba năm - nên
vừa lên thiếu úy vài tháng đã được làm đại đội phó. Cuộc đời binh nghiệp của
Sáng khá lận đận mặc dầu là một người rất tôn trọng kỷ luật chứ không thuộc loại
mất dạy như tôi. Bây giờ lên lon, lên chức liên tục dù rằng đã trễ, tưởng rằng
sự nghiệp kaki sẽ khá hơn chút đỉnh, nào ngờ lương thiếu úy chưa được lãnh, hồ
sơ chức vụ đại đội phó chưa điều chỉnh xong thì đời Sáng đã xong.
Khi
địch tràn ngập vị trí phòng thủ ở đỉnh đồi, Sáng đã xin pháo binh bắn thẳng vào
đầu mình, không khóa, không mã, không ngụy, không ám danh đàm thoại gì hết trên
hệ thống truyền tin, tiếng Sáng ngắn gọn sau một tiếng chửi thề: "Ðụ mẹ,
nó đông quá, chụp lên đầu tao!" Pháo đã chụp lên đỉnh đồi và hai chiếc máy
bay cũng nhắm thẳng đỉnh đồi mà dội.
Cái
chết thật anh hùng nhưng cái chết thật vô danh - đã đành -. Cái sống anh hùng của
cả một tiểu đội vẫn bám chặt, vẫn chiến đấu trên ngọn đồi đã bị địch tràn ngập
cho đến khi được giải cứu, đã chỉ được nhắc nhở đến như một tin tức bình thường.
Có vô tình quá không, mặc dù ai cũng hiểu một vài điều khích lệ lúc này, một
chút cử chỉ quan tâm lúc này còn giá trị hơn một triệu hành động tuyên truyền
chiến tranh chính trị. Tôi thắc mắc không hiểu tiểu đội anh hùng này là người
hùng riêng của tiểu đoàn 4 hay họ cũng là anh hùng của cả binh chủng, của cả
quân đội. Chắc chỉ có những ông xếp lớn chết hoặc sống hơi "ngon" một
chút mới đáng là anh hùng, còn những thằng cỡ thiếu úy Sáng, cỡ tiểu đội cố thủ
trên đồi 51 này thì là "cái mẹ gì". Quân đội không thiếu những anh
hùng cỡ là "cái mẹ gì" mà thành ra thiếu anh hùng một cách trầm trọng.
Tôi sực nhớ lại một trong những người là chiến sĩ xuất sắc thuộc tiểu đoàn tôi
về dự đại hội chiến sĩ xuất sắc ở Sài Gòn năm 73 là người quanh năm suốt tháng ở
hậu cứ, hầu như suốt cuộc đời nhà binh chưa hề nghe một tiếng súng bắn ngược.
Hoan hô những người hùng.
Tôi
hỏi trung úy Xuân:
"Ðại
đội tôi nằm ở đâu ông?"
"Chỗ
cũ, đến đường rầy quẹo trái."
Tôi
ra khỏi chỗ đóng quân của Ban chỉ huy tiểu đoàn, băng ngang quốc lộ đi dọc lên
phía bắc, qua chợ Ðông Hòa cũ, mặc dù hôm đi phép tôi còn ngồi ở góc chợ uống
bia chờ xe đò, nhưng bây giờ chưa đầy một tháng vắng mặt, tôi đã phải gọi là cũ
vì nó chỉ còn trơ ra những cái xạp cháy dở và những tấm vách nằm ngổn ngang đầy
những dấu đạn đại bác. Tôi quẹo trái vào con đường đất đỏ dẫn vào phía núi.
Con
đường nhỏ dẫn vào chân núi này rất quen thuộc với tôi nhưng bây giờ lạ hẳn.
Ngay từ căn nhà đầu tiên, quán nhậu của mẹ con cô giáo Hương đã không còn
nguyên vẹn, mái tôn đổ ụp xuống làm văng tung tóe những tấm ván thùng đạn pháo
binh được đóng làm vách, căn nhà bên cạnh, tiệm hớt tóc miền quê cũng không còn
cái cọc nào đứng nguyên. Suốt một dọc, những căn nhà ven chợ này đều có chung
hình dạng tan nát của cái chợ. Càng vào sâu, nhà cửa càng tan hoang, dấu vết của
những đợt pháo kích khủng khiếp.
Qua
hết khu "thị tứ" ven chợ, băng qua một vũng sình lớn, tôi đến khu
trong. Gọi là khu trong vì có đám sình ngăn cách với khu buôn bán bên ngoài chứ
thực ra chỉ có lèo tèo vài căn nhà lụp xụp để ở. Khu trong còn nguyên vẹn. Tôi
đến gần, một bà sư từ trong nhà đi ra, gọi tôi hỏi: "Răng eng đi giờ ni mà
đi có một miềng?"
Câu
hỏi làm tôi sững người. Mặt trời đã lặn, tuy còn thấy rõ mặt người nhưng chỉ là
ánh sáng phản chiếu mà đường vào đến đại đội tôi còn xa. Bây giờ tôi mới chợt để
ý là khu này không còn người dân nào, vì nhà cửa họ cháy hết đã đành, mà tình
hình lúc này không còn phải là tình hình của những ngày tôi chưa đi phép. Nhìn
xuống khẩu súng, tôi nổi gai ốc khắp người, súng tôi không có đạn.
Bằng
động tác rất tự nhiên, tôi kê khẩu súng lên túi đạn bên hông - dĩ nhiên túi đạn
cũng rỗng - đứng nghiêng người để bà sư không thể nhìn thấy chỗ lắp băng đạn của
khẩu M-16 tôi cầm trên tay đang rỗng tuếch. Tôi trấn tĩnh rất nhanh.
"Có
lính ra đón tôi. Tại sao bà lại ở đây có một mình?"
"Tui
tu hành mà eng. Eng đi cho cẩn thận chứ mấy hắn thường ra giờ ni nớ."
Tôi
bước đi, trong đầu không còn nghĩ đến Sáng, không còn nghĩ đến Hiếu, không còn
nghĩ đến hùng đến hèn gì nữa mà chỉ còn nghĩ đến mình. Tôi đã quá cẩu thả để
không hỏi rõ tình hình, để không lấy vài băng đạn đem theo, để không gọi máy về
đại đội gọi lính đi đón. Sự cẩu thả này không thể chấp nhận được. Cái lỗi này
chỉ cần một chút "xui" là không bao giờ còn vấp phải lần thứ hai vì
chắc chắn không còn lần thứ hai nào nữa để mà vấp phải. Tôi bước đi, hấp tấp nhưng
phải cố làm ra vẻ như mình không hấp tấp, mắt đảo thật nhanh, láo liên như một
thằng ăn cắp, nhưng lại phải rất kín đáo nhìn lại phía sau, súng không có đạn
mà lúc nào cũng phải nắm lấy tay cầm của khẩu súng trong tư thế sẵn sàng bắn,
nhưng dĩ nhiên phải giấu phía gắn băng đạn quay vào người. Cứ trong tư thế mâu
thuẫn như vậy tôi đi. Trời không lạnh mà tôi run, trời không nóng mà tôi toát mồ
hôi. Bàn tay phải đã ướt nhẹp mà tôi không dám rời tay cầm của khẩu súng để
lau. Tôi phải giữ đúng tư thế sẵn sàng tác chiến với hy vọng may ra đánh lừa được
tên du kích nào lấp ló ở đâu đó chăng. Tôi cố gạt phắt ý nghĩ là nếu thằng du
kích nào đó có súng thì cho dù tôi có ở tư thế "hiên ngang" như thế
nào đi nữa thì nó vẫn có thể "tỉa" tôi một cách dễ dàng. Nhưng với tư
thế này của tôi, biết đâu nó có thể nghi rằng đàng sau tôi đang còn một tốp
lính nữa mà tôi chỉ là thằng xích hầu, nếu chỉ có một mình chắc chắn nó sẽ
không dám bắn. Một cú tháu cáy cạn láng mà tôi chỉ có đôi bạt mặt.
Sự
bình tĩnh gần như chỉ còn là phản ứng không phải của tôi, được tăng lên theo sự
rút ngắn của đoạn đường, nhưng lại giảm xuống theo sự mất dần của ánh sáng. Lời
nói dối bà sư khi nãy trở thành niềm hy vọng to lớn tôi mong chờ: tôi chờ được
gặp tốp lính đang trên đường đi đón.
Ðến
đường rầy là ngã ba đường thì cũng lại là ngã ba đường của tôi, "chỗ
cũ" của đại đội tôi và "tới đường rầy quẹo trái" là hai địa điểm
ngược đường với nhau, quẹo trái thì không thể nào đến chỗ cũ, mà đi băng qua đường
rầy thì lại sai với lời chỉ đường. Tôi chửi thầm trung úy Xuân đã chỉ đường cho
tôi một cách bá láp, tôi chửi thầm tôi đã không kịp nhận định cho rõ trước khi
rời tiểu đoàn, tôi cũng chửi thầm luôn đại đội trưởng đã biết tôi về đến mà
không cho lính đi đón.
Tôi
phân vân nhưng không được phép chần chừ, quyết định chậm phút nào là kéo dài sự
nguy hiểm thêm phút nấy. Tôi không dám lên chỗ cao để nhìn cho xa, vì ánh sáng
lúc này không đủ cho tôi nhìn xa và bóng tối lại quá đủ cho thân hình tôi in rõ
nét trên nền trời. Chỉ còn chừng ba mươi thước là đến đúng chỗ rẽ, suy tính của
tôi không được phép lâu hơn ba mươi bước đôi của một người bước vội. Tôi không
còn lựa chọn giữa hai nơi "chỗ cũ" và "đến đường rầy quẹo
trái" nữa, mà tôi chỉ còn được phép chọn lựa lối đi theo địa thế. Nếu đi
băng qua đường rầy tôi sẽ phải đi băng qua mấy cái đồi trọc nằm thoai thoải, dễ
chết quá, tôi sẽ là một mục tiêu rất rõ cho những tay súng nhắm bắn từ sát mặt
đất. Còn nếu quẹo trái, tôi sẽ phải đi vào con đường mòn thật nhỏ, quanh co và
nhiều bụi rậm, cũng dễ chết lắm vì khu này đã không được "ổn" từ những
ngày tôi chưa đi phép, huống hồ bây giờ.
Tôi
quyết định quẹo trái vì chưa chắc hiện giờ lối nào "ổn" hơn lối nào.
Nếu đi trên đồi, hai bên gặp nhau thì thằng chết chỉ là tôi, nghĩa là kể cả trường
hợp tôi thấy địch trước, vì tôi không có lấy một viên đạn... làm thuốc. Còn nếu
quẹo trái, ngộ nhỡ có đụng đầu nhau, kể cả trường hợp tôi thấy địch sau, tôi vẫn
còn có thể lủi vào bụi rậm hai bên đường để mà "chẩu".
Tôi
đi rất cẩn thận, nghe ngóng và dọ dẫm ở những khúc quanh và chạy thật nhanh ở
những khúc thẳng. Ðến bụi rậm cuối cùng, tôi dừng lại quan sát ngọn đồi trước mặt.
Con đường lượn lên dốc thoai thoải vòng quanh chân đồi, bên phải trống trơn, một
vài bụi rậm nhỏ không đủ che giấu cho tôi đi qua được chân đồi vì bên trái con
đường, lên cao một chút trên sườn đồi đang có lố nhố mấy người đứng ngồi nhấp
nha nhấp nhô. Bằng mắt với ánh sáng và khoảng cách lúc này tôi không thể phân
biệt được họ là ai, mình hay địch. Không phân biệt được bằng mắt thì phân biệt
bằng tai vậy: tôi cố gắng lắng nghe họ nói chuyện. Dĩ nhiên với khoảng cách này
thì chỉ tiếng được tiếng mất, nhưng tôi đâu cần nghe câu chuyện của họ, mà tôi
chỉ cần phân biệt cái giọng của họ, nếu giọng Nam thì thật "đã đíu",
mọi chuyện sẽ êm xuôi tại đây, còn nếu giọng Bắc nhà quê hoặc giọng trọ trẹ miền
Trung thì... đằng sau quay, và chắc chắn là tôi sẽ có một đêm ngủ vật vờ trong
bụi để làm mồi cho lũ muỗi rừng và... đợi sáng tính sau.
Tôi
vận dụng tất cả mọi khả năng, dồn hết sức sống của tôi vào đôi tai để chờ đợi,
nhưng ngoài tiếng côn trùng và tiếng gió, tôi không nghe được một tiếng nói nào
của mấy người trên sườn đồi kia. Tuy nhiên, tôi bình tĩnh thật lạ lùng, cái
bình tĩnh của thằng lính khi ra trận đã biết rõ mục tiêu, biết rõ từng vị trí của
địch, đã nghe tiếng súng nổ, không còn sự hồi hộp lo sợ của sự chờ đợi những
viên đạn đầu tiên của địch thay cho lệnh khai hỏa ghim vào thân thể mình trước
khi kịp nghe tiếng súng, không còn là chuyện may rủi trời kêu ai nấy dạ của những
viên đạn bắn sẻ nữa, mà là cái bình tĩnh của một sự việc đã được tính toán,
đúng thì sống mà sai thì... húp cháo rùa.
"Ðù
má, lâu dzậy mảy?"
Tiếng
nói đột ngột, không đủ lớn nhưng đủ lọt vào tai tôi. Xong rồi! Tiếng chửi thề
nghe sao dễ thương lạ. Tiếng chửi thề đã chấm dứt sự nguy hiểm bao quanh tôi. Bọn
này hẳn phải là lính đại đội tôi, đang gài mìn tại tiền đồn cấp tiểu đội.
Tôi
ung dung trở ra đường mòn, bằng điệu bộ rất thoải mái, súng vác vai vừa đi vừa
huýt gió "cờ bay cờ bay oai hùng..." để tránh sự bất ngờ có thể gây
ra ngộ nhận. Mấy người lính dừng tay nhìn tôi, và khi đi vòng theo chân đồi
không thấy ai lên tiếng hỏi thăm, chắc là tối quá tụi nó không nhận ra mình,
tôi lên tiếng:
"Ðứa
nào đó bay?"
Không
nghe tiếng trả lời, tôi hỏi tiếp:
"Ðại
đội 4 phải không?"
"Ðụ
mẹ, đi đâu về trễ vậy cha nội?"
Tôi
bực mình, lính tráng thế này thì hỏng rồi, tôi xẵng giọng:
"Ðại
đội nằm đâu?"
"Ủa,
phép ra há mảy, đi tới là gặp liền. Mà đi lẹ lẹ nghe cha nội, coi chừng tụi nó
gài "đồ chơi" rồi đó."
"Có
máy không, báo là tao về tới, khoan gài."
"Không."
Tiếng
không cụt ngủn và có vẻ hơi xẵng. Tôi vừa bực mình vừa buồn cười liên tưởng đến
một chuyện cũ. Năm 72, tôi bị thương, trong khi nằm ở tiểu đoàn đợi trực thăng
tải thương, có một tay cũng bị thương và đợi trực thăng như tôi xin tôi điếu
thuốc và hỏi một câu làm quà:
"Ðụ
mẹ, mày cũng bị thương hả?"
Tay
lính này chắc chắn chưa tới hai mươi, mặt mũi còn non choẹt và điệu bộ đầy vẻ
dê cỏn buồn sừng. Tôi trả lời ậm ừ. Nó hỏi tiếp:
"Mày
trung đội mấy?"
"Trung
đội 2."
"Tao
cũng trung đội 2, mày tiểu đội mấy?"
"Tao
ở PC trung đội."
"Ðụ
mẹ, mày tà lọt mà cũng bị thương hả?"
"Ờ,
tao trung đội trưởng."
Thằng
bé bẽn lẽn:
"Ủa,
ông thầy, em đâu có biết."
Dĩ
nhiên là nó không biết tôi, và cả tôi cũng không biết nó. Nó là một thằng lính
mới tò te, rất tò te vừa được đưa từ trung tâm huấn luyện Rừng Cấm ra tiểu
đoàn, ban Một tiểu đoàn phân phối cho đại đội, thường vụ đại đội chia cho trung
đội, trung đội phó nhận rồi đưa ra tiểu đội. Trung đội đang "ủi bãi",
nó về đến trung đội buổi chiều, buổi tối tôi bị thương, nó đâu thể biết trung đội
trưởng là ai được.
Còn
một chuyện nữa, cũng năm 72. Tiểu đoàn trưởng lúc đó là trung tá Quang. Trên hệ
thống truyền tin ông là Quang Trung, nhưng trên cửa miệng của những thằng lính
chúng tôi thì ông là Quang Bóp Cổ. Nghe tên Quang Bóp Cổ phải hiểu ngay ông là
nhân vật như thế nào trong đơn vị. Tiểu đoàn nằm ở thôn Bích La bên cạnh bờ
sông Vĩnh Ðịnh, đại đội tôi nằm ôm tiểu đoàn. Một hôm Việt Cộng chen vào giữa đại
đội 2 và tiểu đoàn. Sáng hôm sau chúng tôi đánh bật Việt Cộng ra ngoài đồng trống,
thôi thì lính tráng tha hồ bắn những cái bia di động. Quang Bóp Cổ cũng lấy
M-79 ra bắn loạn xà ngầu. Tụi tôi thấy Quang Bóp Cổ thằng nào cũng né, dạt ra một
nơi. Chuẩn úy Chiếm lúc đó đang đi OJT trong đại đội, thấy một thằng mặc áo
thun ba lỗ bắn M-79 dở ẹc, anh chàng đi tới vừa giựt khẩu súng vừa chửi thề:
"Ðụ mẹ, bắn như cái con cặc mà cũng đòi bắn, đưa đây tao!"
Ðó
là những mẩu chuyện ngộ nhận, nhưng trường hợp tôi bây giờ lại khác. Trong toán
lính này ít nhất cũng phải có một thằng biết tôi; không kể thời gian làm trung
đội trưởng, tôi đã làm đại đội phó đại đội 4 này ít ra cũng đã hơn hai năm rồi.
Tại sao ngay cả tên chỉ huy cũng không nhận ra tôi? Hay là...
Tôi
chạy thật nhanh, lần này thì chạy thật chứ không còn giả vờ gì nữa, để kịp về đến
đại đội trước khi mìn và lựu đạn gài chặn lối đi. Tôi chạy một mạch gần hai
trăm thước tới chân đồi đại đội, thấy mấy người lính đang từ trên đồi đi xuống,
tôi đi ngược lên. Khi tới ngang họ, tất cả dừng lại tránh lối cho tôi đi lên, họ
nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên, tôi nhìn họ cũng rất ngạc nhiên, tất cả những khuôn
mặt đều lạ. Tôi hỏi:
"Ðại
4 phải không?"
"Ừa,
đại 4."
Một
người lính từ trong lều trên đồi bước ra hỏi vọng xuống:
"Gì
đó bay?"
Tôi
bỏ toán lính, đi tiếp lên đồi. Toán lính nhìn nhau rồi nhìn tôi, rồi lại nhìn
nhau. Khi tôi đi qua người lính gác, đi tới người lính đứng trên đồi, họ mới tiếp
tục đi xuống. Người lính đứng trên đồi hỏi vọng xuống là ông thượng sĩ già. Tôi
nhìn kỹ bảng tên, bảng tên màu hồng. Té ra đây là đại đội 4 của tiểu đoàn 7. Rõ
chán!
"Thượng
sĩ cho tôi gặp đại đội trưởng."
Người
lính già trố mắt nhìn tôi, chắc chắn là không hiểu gì cả, bảo tôi đứng đợi rồi
chui vào cái lều lớn ở giữa sân. Ông ta không hiểu nhưng tôi hiểu là mình đã đến
lầm đơn vị, và việc của tôi ngay lúc này là phải gặp đại đội trưởng ở đây để nhờ
liên lạc với đại đội tôi cho người đến đón. Nguy hiểm có thể đã hết, nhưng mệt
thì còn nhiều. Ông thượng sĩ trở ra, tay cầm đèn được thắp bằng pin của máy
PRC-25; một người nữa ra theo, tôi nhận ra người đi sau là Minh, bạn tôi.
"Ê
Minh, cho tao gặp đại đội trưởng mày."
Ông
thượng sĩ lại trố mắt nhìn tôi thêm một lần nữa, ông ta không thể hiểu tôi là
cái giống gì Tôi không đeo lon. Tuy nhiên ông ta không nói tiếng nào, lặng lẽ bỏ
đi khi nghe Minh nói với tôi:
"Ðụ
mẹ, mày làm cái con cặc gì mà tới đây giờ này, vô đây phê pháo cái đã, mọi chuyện
tính sau."
Tôi
theo Minh vào lều nhưng sốt ruột, lại hỏi:
"Tao
gặp đại đội trưởng mày đã, phê pháo mẹ gì."
"Phê
pháo đã mà, ổng đang bận."
"Ủa,
bộ mọi chuyện đại đội trưởng mày làm hết hả?"
"Ðâu
có, đại đội phó làm chứ."
"Vậy
ổng bận cái gì?"
"Bận
tiếp khách."
"Mẹ
kiếp, té ra mày là đại đội trưởng à?"
"Chứ
còn thằng con cặc nào vô đây!"
Vừa
uống cà phê tôi vừa kể cho Minh nghe chuyện vừa qua, Minh nhìn tôi cười:
"Ðụ
mẹ, mật mày lớn mà mạng mày cũng lớn, lóng rày tụi nó ra hà rầm."
"Lớn
cái con củ cải, tao biết chó đâu đó, đến lúc biết đã ngồi cha nó trên lưng cọp
rồi."
Tôi
nhờ Minh liên lạc với đại đội tôi, nhưng vì khác tiểu đoàn nên không có tần số
để liên lạc, tôi đành phải xin ít đạn và mấy quả lựu đạn để tiếp tục... du lịch.
Minh cho mấy người lính đi theo tôi. Về đến chỗ cũ của đại đội, đại đội tôi
không còn đóng ở đấy, thay vào đó là một toán tiền đồn thuộc đại đội Trinh Sát
của sư đoàn - Viễn Thám cũ. Tôi cho lính của Minh về và nhờ một người lính
Trinh Sát đưa tôi về gặp trung đội trưởng của họ. Người trung đội trưởng này là
một sĩ quan còn rất trẻ mà tôi không quen nên anh ta nói chuyện với tôi một
cách dè dặt. Tôi phải moi tất cả giấy tờ có trong người như thẻ căn cước quân
nhân, chứng chỉ tại ngũ và cả tờ giấy phép có chữ ký của trung tướng Ngô Quang
Trưởng cho anh ta xem. Tôi chỉ nhờ anh ta mỗi một điều là báo cáo và cho người
dẫn tôi về gặp đại đội trưởng của anh ta. Lại muốn gặp đại đội trưởng!
Tôi
nghe rất rõ tiếng ông đại đội trưởng -tôi biết là đại úy Lực- phát ra từ ống
liên hợp của máy truyền tin.
"Ðụ
mẹ, không tin thằng nào hết, giấy tờ giả thiếu chó gì. Ông cho tôi biết nó người
Bắc hay người Nam."
Tức
cười, lúc nãy tôi đã dùng cách phân biệt Bắc Nam để phán đoán ta hay địch, bây
giờ tôi lại bị người khác dùng cùng một cách để đánh giá tôi là ai. Hỏng bét rồi,
tôi là một thằng Bắc Kì trăm phần trăm, không sai một ly ông cụ nào, từ giọng
nói đến những tiếng tôi đang dùng đều là Bắc Kì đặc.
"Ông
này Bắc Kì nhưng trông cũng có vẻ lính mình."
"Ông
cho người mang thằng đó về đây cho tôi."
Mang
tôi đi tức là tôi bị tước súng và áp giải như một thằng tù binh. Mẹ kiếp, thằng
này chứ có phải thằng nào khác đâu, đâu có chuyện tước súng tôi một cách dễ
dàng như vậy được.
Bỗng
nhiên tôi nổi giận:
"Này,
đừng có làm cái trò sỉ nhục nhau như vậy chứ thiếu úy!"
Anh
ta cho một người lính dẫn tôi về đại đội Trinh Sát.
Ðại
úy Lực không tiếp tôi. Ông ta để tôi đứng ngoài sân với người thượng sĩ thường
vụ, tiếng ông ta hỏi vọng ra từ trong lều:
"Anh
ở đơn vị nào?"
"Ðại
đội 4 tiểu đoàn 4."
"Chức
vụ gì?"
"Ðại
đội phó."
Tiếng
ông ta dịu lại:
"Ðại
đội trưởng anh là ai?"
"Tôi
không phải là tù binh để phải đứng ngoài trời này khai lý lịch vọng vào lều cho
đại úy. Tôi chỉ nhờ đại úy liên lạc với đại đội tôi cho lính đến đón tôi về."
"Ðụ
mẹ, liên lạc đâu có khó, nhưng tôi phải biết anh là ai chớ!"
"Ðại
đội trưởng tôi là 369. Ðại úy chỉ cần nói là 520 đang ở chỗ đại úy."
Chừng
hai phút sau, ông ta nói vọng ra không phải với tôi mà với ông thượng sĩ.
"Ông
cho dẫn người này ra chỗ toán của thằng..." (tên người này tôi không nhớ).
Thượng
sĩ thường vụ đi gọi người. Lúc này đại úy Lực mới từ trong lều chui ra, ông ta
tới bắt tay tôi:
"Thằng
Gắt" - đại đội trưởng tôi - "cho người đi đón ông lâu rồi, tôi cho người
dẫn ông tới đó."
Tôi
cám ơn rồi đi theo người lính dẫn đường. Toán lính đi đón đang ngồi đợi tôi ở
ngay chỗ đại đội tôi đóng cũ, vị trí của toán tiền đồn Trinh Sát, nơi mà tôi và
mấy người lính của Minh đã đến. Phải chi tụi nó đến sớm hơn một chút hoặc phải
chi tôi ngồi chơi với Minh lâu hơn một chút thì đâu đến nỗi phải đi lòng vòng
và phải khai lý lịch với bọn "vịt tiềm" này.
Trung
sĩ Khang cho tôi biết là họ phải băng ngang làng Ðồng Lâm ra đón tôi ngoài quốc
lộ, sợ tôi đi qua làng một mình chắc chắn sẽ bị "xé phay" liền. Ðợi
hoài không thấy, họ phải đi dọc quốc lộ về tiểu đoàn tìm tôi, gặp trung úy Xuân
nói tôi đi về chỗ đại đội đóng cũ, sau đó đại đội trưởng cũng gọi máy bảo họ về
chỗ này đợi tôi.
"Ðại
đội nằm đâu, mày?"
"Sau
làng Ðồng Lâm. Mấy hôm nay mình ăn pháo lia chia!"
"Có
thằng nào bị gì không?"
"Có
mỗi một trái lọt vô vị trí, banh một cái lều còn thì rớt cách mình cả trăm thước.
Có điều ban ngày mình không dám căng lều, sợ tụi nó thấy."
Bọn
tôi đi tắt đường ruộng về đến đại đội, lính đổi gác cũng đã đến ca áp chót.
Phần 2
Ðến
sáng, tức là ngày 20 tháng Ba, tiểu đoàn gọi tôi về để gắn lon. Tôi mượn bộ quần
áo "ngựa" của trung sĩ nhất Ðăng, thường vụ đại đội, may đè tên tôi
lên bảng tên, rồi đi theo toán lính đi lãnh tiếp tế băng qua làng Ðồng Lâm ra đến
quốc lộ. Tôi lội bộ về tiểu đoàn.
Tôi
và thiếu úy Ðiểu, phụ tá ban Ba tiểu đoàn được gắn lon cùng một lúc. Thật khôi
hài khi Ðại bàng 816, tức Hitler, tức tiểu đoàn trưởng, gắn lon trung úy lên
vai Ðiểu, ông khích lệ khuyên nhủ đủ điều, lại còn bắt tay và vỗ vai thân mật nữa.
Còn tôi, hình như độc nhất vô nhị trong lịch sử gắn lon của quân đội, ông vừa gắn
lon lên vai tôi vừa chửi. Tôi phải đứng nghiêm, tay phải đưa lên trán trong tư
thế chào, Hitler vừa gắn lon vào vai tôi vừa nói:
"Ðụ
mẹ ông, đồng ý là ông cũng có công nhưng đâu phải công của mình ông. Ông làm
cái gì giờ này mới ra tới?"
Tiểu
đoàn trưởng đã cấm tất cả các sĩ quan trong tiểu đoàn khi hết phép không được
ra trình diện hậu cứ ở Vũng Tàu, vì như vậy là câu thêm giờ ở Sài Gòn. Ông chỉ
chấp nhận cho hạ sĩ quan và binh sĩ được câu thêm vài ngày theo kiểu này, còn
sĩ quan bắt buộc phải trình diện thẳng Bộ tư lệnh ở Sài Gòn, để ngày hôm trước
hết phép, ngày hôm sau đã phải có mặt ở hành quân.
Không
ngờ bị hài tội trong lúc này, bí quá tôi nói đại:
"Tôi
ra hỏi vợ ở Bà Rịa, thiếu tá."
"Vợ
con cái con cặc! Ðụ mẹ ông!"
Bịa
chuyện lấy vợ, tôi nhớ đến lần tôi cũng bịa chuyện lấy vợ để kiếm thêm một tuần
ở Sài Gòn. Năm 72, tôi bị thương được đưa về điều trị tại bệnh viện Lê Hữu Sanh
ở Thủ Ðức. Vì thương binh quá nhiều nên tôi chỉ được nằm ít ngày rồi cho về nhà
tự chữa lấy, mỗi tuần lên tái khám một lần, gọi là xuất viện tái khám. Lần tái
khám thứ ba, tuy tôi đã có thể đi lại được nhưng vẫn còn phải chống nạng. Bác
sĩ Hạnh -Nguyễn Ðỗ Hạnh- y sĩ điều trị, đã bắt tôi xuất viện ra hành quân; hình
như là ở đâu đó người ta muốn giảm tỉ lệ sĩ quan bị thương trên giấy tờ sổ
sách. Muốn kiếm thêm một tuần phè ở Sài Gòn và cũng để đi đứng được vững chãi hơn
trước khi ra hành quân, tôi bèn xuống nước:
"Bác
sĩ cho tôi thêm một tuần nữa, thứ tư này tôi lấy vợ. Mọi chuyện đã chuẩn bị
xong xuôi, chỉ còn đợi đến ngày làm đám cưới."
Bác
sĩ Hạnh là một người rất đẹp trai và có giọng nói rất êm, rất nhẹ đã phán một
câu nghe rất đã lỗ nhĩ.
"Vác
ba lô ra Quảng Trị mà cưới!"
Lần
này thì tôi lại bịa chuyện lấy vợ, nhưng tôi ở thế thượng phong tức là theo
đúng kỷ luật nhà binh, thi hành trước khiếu nại sau. Tôi đã thi hành, bây giờ đến
lượt tiểu đoàn trưởng đang... khiếu nại. Ở cái binh chủng "sống khùng sống
dại chẳng sống dai" này, khi các quan lớn đã "khiếu nại" thì cỡ
các bà chợ Trần Quốc Toản hay chợ Cầu Ông Lãnh còn phải đưa đi "hấp"
thêm nhiều khóa may ra mới theo kịp. Tôi đã từng được ăn hàng trăm nghìn
"của ngon vật lạ" rồi nên tôi đứng nghiêm để thưởng thức mấy
"món xoàng" của Hitler thì có nhằm nhò gì. Ăn mà không có nhậu thì
còn gì giá trị của món ăn nên khi đứng nghiêm để "ăn", đầu óc tôi lại
đang phân vân không biết chuyến tiếp tế này hậu trạm có mang rượu thuốc Thiên Tường
cho tôi theo lời dặn hay lại cứ mang rượu Vạn Ích, thằng Sáng chết rồi mà thằng
Huy mập lại nằm xa đại đội, lấy ai mà nhậu đây. Kỳ lương này không biết có được
thảnh thơi để làm một bữa rửa lon túy lúy không.
Xong
vụ gắn lon lạ đời nhất quân đội, tôi đi theo xe tiếp tế về đại đội.
Rượu
thịt ê hề nhưng chưa kịp lai rai ba sợi, tôi đã nhận lệnh mang hai trung đội
tăng phái cho lữ đoàn 1 Thiết Kỵ.
Chúng
tôi ngồi dọc quốc lộ 1 đợi xe của Thiết Giáp đến đón. Gặp Ó Lương đi xe Jeep tới
-đại tá Lương lữ đoàn trưởng 147- Ó Lương cho biết là các đơn vị nằm phía Bắc
đang bỏ chạy, chúng tôi sẽ không được một sự yểm trợ nào hết của đơn vị gốc,
rán mà tự lo liệu lấy. Tôi hiểu là trong hoàn cảnh này khó có hy vọng là chúng
tôi sẽ trở về. Cuộc đời nhà binh của những thằng "lính rằn" chúng tôi
thường xuyên "một đi không trở lại" nên chuyến đi này cũng chẳng có
gì đáng phải bận tâm. Nhưng dù sao tôi vẫn không thể nói những điều này cho
lính biết.
Tôi
không nói cho lính biết nhưng không phải là họ không biết. Chuyến đi này thế
nào cũng sẽ rất thê thảm vì một chuyến đi bình thường của một nửa đại đội đâu cần
đến đại tá lữ đoàn trưởng xuống dặn dò, cộng thêm là chúng tôi thấy lác đác đã
có những người lính Bộ Binh chạy về. Một đứa nói với vẻ bất mãn:
"Ðụ
mẹ, chỗ nào người ta chịu không nổi thì bắt mình tới hứng. Còn nếu mình chịu
không nổi thì người ta thây kệ mẹ mình."
Một
đứa khác với giọng giễu cợt:
"Làm
trai đâu sợ gì sương gió, chỉ sợ đời không có gió sương thôi em!"
Trung
sĩ Khang quay sang tôi:
"Ông
thầy, thằng này chưa thấy quan tài chưa đổ lệ."
Tôi
chuyển hướng câu chuyện, chỉ một người lính:
"Thằng
này ngon này, không sợ ai hết, anh hùng mà."
"Ủa,
sao vậy ông thầy?"
"Tụi
mày biết nó xâm cái gì trên ngực không?"
Ðám
lính nhao nhao lên:
"Cái
gì ông thầy?"
"Cái
đầu lâu..."
"Cái
hòm..."
"Không
phải, tầm bậy hết!"
Tôi
cười cười đọc:
"Trên
trời có một vì sao.
Dưới
đất có một mình tao anh hùng".
Thằng
bé có xâm hàng chữ trên ngực cười bẽn lẽn:
"Tại
mấy thằng bạn đè em ra xâm hồi học trong quân trường."
Hai
chiếc GMC của Thiết Giáp chở chúng tôi ghé vào căn cứ Hòa Mỹ một lúc rồi trở ra
đi lên phía bắc, dọc đường tôi thấy các đơn vị Bộ Binh đang lếch thếch chạy về
phía nam. Mẹ kiếp! Gà hơn nhau tiếng gáy, mình đã lỡ gáy to rồi! Người ta đông
thế kia còn phải bỏ chạy, chúng tôi ít người như thế này mà phải húc đầu vào.
Trời
chập choạng tối, chúng tôi đến Bộ chỉ huy lữ đoàn 1 Thiết Kỵ - tôi quên mất tên
căn cứ này - lính ở nguyên trên xe đậu gần cổng, tôi vào phòng hành quân để nhận
lệnh. Phòng hành quân là một cái hầm khá rộng, bày biện rất ngon lành. Người sĩ
quan trực hành quân là một ông thiếu tá. Ông ta không biết tí gì về chuyện
chúng tôi tăng phái đến nên bảo tôi ngồi đợi trưởng phòng. Tôi đề nghị:
"Thiếu
tá giúp cho tôi gặp trưởng phòng ngay bây giờ, trời tối rồi mà còn phải đợi,
tôi sợ trễ."
Ông
ta quay điện thoại, chừng năm phút sau trưởng phòng đến.Trưởng phòng cũng là
thiếu tá. Câu đầu tiên của ông trưởng phòng mà tôi nghe được khi ông ta bước
vào.
"Ðụ
mẹ, anh để cho tôi ăn một miếng chứ, cái con cặc gì cũng kêu tôi, cái thứ anh
đeo thiếu tá làm uổng lon nhà binh."
Người
sĩ quan trực cúi đầu nhìn xuống đất, không nói một tiếng. Tôi đứng đấy ngỡ
ngàng. Thiếu tá trưởng phòng quay sang hỏi tôi:
"Bộ
anh không đợi tôi được sao?"
"Không,
thiếu tá. Thiếu tá cho tôi biết nhiệm vụ."
Ông
ta bảo tôi cùng đi đến chỗ treo bản đồ hành quân, không hiểu nghĩ sao, ông ta
quay lại hỏi tôi:
"Anh
có biết bãi đất trống ở đây lên gần Mỹ Chánh nằm phía bên trái không?"
"Tôi
biết, cái chợ, phía bên kia là làng Chánh Môn."
"Rồi,
anh ra đó nằm."
"Thiếu
tá cho tôi biết tình hình, nhiệm vụ và bản ám danh đàm thoại."
"Anh
cứ ra đó đi, tôi cho người mang ra sau."
"Tôi
không thể ra đó khi tôi chưa nắm được tình hình và chưa biết được nhiệm vụ."
"Không
có mẹ gì đâu, anh cứ ra nằm đêm nay đi."
Tôi
quay ra, bực mình không thèm chào, mẹ kiếp, quan liêu, hống hách và cẩu thả.
Không lẽ ông ta giận tôi vì đã phá ngang bữa ăn của ông hay ông vội vàng với
tôi để tiếp tục bữa ăn. Chắc chúng tôi còn phải rất chật vật vì cái kiểu cách
chỉ huy của bọn "con cua" này.
Trời
tối hẳn khi chúng tôi đến nơi. Dân làng đã bỏ đi hết. Một vài con chó đang xục
xạo quanh những cái xạp chợ bỏ chạy khi chúng tôi đến. Thế là chúng tôi sẽ có
những bữa nhậu "đã đời" với mấy con mồi này. Tôi cho lính lục soát thật
kỹ trước khi đóng quân quanh chợ và hai bên quốc lộ.
Tôi
không biết tí ti gì về tình hình ta và địch ở đây nên suy nghĩ rất lâu về vị
trí phải đặt các toán tiền đồn. Cuối cùng, tôi đặt một toán ở tây bắc và một
toán ở phía đông.
Lữ
đoàn 1 Thiết Kỵ báo cho tôi biết là tôi được đặt dưới sự điều động của chi đoàn
1. Tôi lại xin bản ngụy nhưng vẫn được trả lời là sẽ cho người mang ra sau.
Không lẽ bọn "con cua" này không có bản ám danh đàm thoại!
Chi
đoàn 1 gọi tôi:
"Anh
cho tôi biết vị trí chính xác của anh và mấy đứa con."
"Tôi
không thể báo cáo cho đến khi tôi có bản ngụy. Anh đã biết đại khái chỗ tôi nằm
chứ?"
"Biết."
"Anh
cho tôi biết tình hình quanh tôi."
"Phía
bắc anh không có ai, phía đông cũng vậy, phía tây hoặc nam gì đó của anh là
tôi."
Tôi
đã đặt tiền đồn theo đúng tình hình.
Tôi
báo cáo tình hình và vị trí đóng quân về tiểu đoàn. Tôi cũng than phiền về lề lối
làm việc của mấy ông "bố ghẻ" này. Tiểu đoàn cho tôi biết nếu có đụng
độ, hãy để một máy liên lạc thường xuyên với tiểu đoàn.
Chi
đoàn 1 gọi lại:
"Anh
cho tôi biết vị trí chính xác của anh để tôi còn báo cáo."
"Không
thể được vì tôi không có bản ngụy. Thôi được, anh biết số nhà riêng của tôi
không?"
"Biết."
"Rồi,
lấy cái đó làm alpha. Tôi ở alpha phải 27 lên 16."
"Tôi
không tìm ra."
"Anh
không tìm ra cái gì?"
"Alpha."
"Hiện
giờ tôi đang gặp anh tại số nhà của anh. Anh biết rõ số nhà của tôi
không?"
"Biết."
"Lấy
số đó làm alpha. Hay thế này vậy, lấy số nhà anh làm alpha. Anh tìm ra alpha chứ?"
"Tôi
chịu, không thể tìm alpha được."
"Ðành
vậy, tôi không thể cho anh biết vị trí của tôi được."
Tôi
bỏ máy. Một lúc sau chi đoàn 1 gọi lại:
"Thôi
thế này, anh lật bản đồ ra."
"Rồi."
"Anh
thấy chữ I của chữ HẢI không?"
"Rồi."
"Lấy
đó làm chuẩn, anh cho tôi biết vị trí của anh."
"Ðâu
được anh bạn, anh bạn không sợ Việt Cộng nó cười cho à? Hình như anh không phải
là thẩm quyền. Anh cho tôi gặp thẩm quyền của anh đi."
"Tôi
là thẩm quyền đây."
"Ồ,
vậy thì xin lỗi thẩm quyền. Thẩm quyền cứ báo cáo đại một điểm nào đó trong cái
biết đại khái về tôi, chứ tôi không thể cho thẩm quyền biết chính xác theo kiểu
đề nghị của thẩm quyền được."
Tôi
không hiểu ông chi đoàn trưởng này không có kinh nghiệm hay tại bên Thiết Giáp
ngay tự bản thân họ đã ồn ào khi đóng quân, máy nổ ầm ầm nên họ không cần giữ
bí mật vị trí đóng quân, hay tự họ cảm thấy an toàn trong mấy cái khối sắt nên
không sợ bị pháo kích.
Nhưng
dù không sợ bị pháo kích thì vẫn phải đề phòng đặc công chớ.
Sáng
hôm sau, 21 tháng Ba, khi tôi và mấy tên lính đang làm vơi dần chai nước biển đựng
đầy rượu thuốc Thiên Tường cùng đĩa thịt chó luộc, có một đơn vị Ðịa Phương
Quân kéo từ phía bắc về đến chỗ tôi một cách hỗn độn. Ðơn vị kéo về này là một
đơn vị lớn nên tôi phải báo cáo cho Bộ chỉ huy lữ đoàn 1 Thiết Kỵ, tôi nghe
chính giọng của đại tá lữ đoàn trưởng ra lệnh cho tôi:
"Anh
chận hết tụi nó lại, đuổi ngược trở lên. Thằng nào vượt qua chỗ anh, bắn bỏ hết."
Tôi
nghĩ bụng, chỉ cần họ đái chúng tôi cũng đủ chết đuối rồi, ở đó mà bắn với bỏ.
Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn cho cả hai trung đội dàn ngang quốc lộ không cho họ đi
sâu hơn nữa về phía nam. Có một đại úy trong toán này đến gặp tôi, tự giới thiệu:
"Tôi
là trưởng ban Ba liên đoàn 913 Ðịa Phương Quân. Một chút nữa, trung tá liên
đoàn trưởng tôi sẽ tới gặp trung úy. Hiện giờ nhờ trung úy giữ đám quân này ở
đây hộ."
"Ngồi
làm một ly chơi đợi trung tá, đại úy. Lúc này rượu thuốc với thịt cầy đâu phải
dễ kiếm, đại úy."
Ông
ta ngần ngừ rồi từ chối quay ra.
Tôi
ngồi húp bát cháo chó, "ngon như cháo chó", tôi chẳng thấy bát cháo
chó này ngon tí nào hết, mặc dầu được nấu bởi một tay làm thịt chó được coi là
"điêu luyện" gốc Hố Nai, không hiểu tại không đủ gia vị hay tại những
điều xảy ra từ chiều hôm qua đến giờ.
Tôi
đang gặm miếng xương chó thì có xe Jeep gắn hai cần câu chạy tới dừng ngay cạnh
đường. Ngồi ghế trưởng xa là một ông to béo, bộ quân phục ủi hồ còn thẳng nếp,
mắt đeo kính đen, tay cầm can, chân phải gác lên cửa xe để lộ chiếc giày bóng
loáng, không hiểu ông ta giữ như thế nào mà chiếc giày không dính tí bụi, ít ra
cũng phải cả chục con "mồi" đã bị ngã trên chiếc giày này. Biết ngay
là trung tá liên đoàn trưởng liên đoàn 913 Ðịa Phương Quân nhưng tôi không buồn
đứng dậy. Viên đại úy lúc này ngồi ở băng sau nhảy xuống đi lại phía tôi.
Ðịnh
bụng là tiếp tục ngồi gặm xương chó chứ tôi không đứng dậy, nhưng tôi chợt có một
ý nghĩ hơi hèn là lính tụi tôi đụng trận như cơm bữa, chết không nói làm gì, ngộ
nhỡ bị thương, ra khỏi binh chủng chẳng may lại về đơn vị của ông trung tá này
làm xếp thì hơi phiền, nên tôi vứt miếng xương chó, vừa chùi tay vào quần vừa đứng
dậy đi ra phía xe Jeep. Ông trung tá to béo gỡ kính, bỏ can bước xuống xe.
Tôi
chào lấy lệ.
"Trung
úy chỉ huy ở đây?"
"Vâng,
tôi."
"Trung
úy không cho tụi này xuống sâu hơn nữa, thằng nào cứng đầu trung úy bắn hộ
tôi."
"Tôi
đã nhận lệnh này của đại tá Hường."
"Vậy
bây giờ trung úy tập trung chúng lại tại bãi đất này cho tôi."
Nghe
thật ứa gan! Sự lo xa mơ hồ một ngày nào đó là thuộc cấp của ông trung tá to
béo này không còn nữa, mà chỉ còn trong tôi sự thương hại và một chút khinh miệt.
"Không,
trung tá, họ là lính của trung tá mà. Tôi nhận lệnh của đại tá Hường là chận họ
lại. Tôi chỉ là trung úy và là đại đội phó, tôi không có khả năng tập trung cả
một liên đoàn của trung tá."
"Thôi
được, tôi về gặp đại tá. Ðứa nào không nghe lệnh anh cứ bắn cho tôi. Tôi sẽ nằm
ở cái lô cốt dưới kia." -Vừa nói ông vừa chỉ về cái lô cốt nằm xa xa phía
nam.
Tôi
chán nản quay vào, báo cáo chuyện vừa xảy ra cho tiểu đoàn.
Liên
đoàn 913 Ðịa Phương Quân này nằm ở bờ bắc sông Mỹ Chánh, thuộc tiểu khu Quảng
Trị, không hiểu có đánh đấm gì không mà họ lại chạy như thế này. Ðơn vị vẫn còn
nguyên vẹn mà đơn vị trưởng đã không còn chỉ huy được, phải đi nhờ đến tôi thì
còn trời đất chó gì nữa. Ðịa Phương Quân Quảng Trị suốt năm 72 đã sát cánh với
chúng tôi, vì rất nhiều lý do họ không thể có khả năng tác chiến bằng chúng
tôi, nhưng họ cũng đâu phải là những tay "vừa" để mà chưa đánh đã chạy,
để mà đã mất chỉ huy khi đơn vị vẫn còn nguyên vẹn.
Lữ
đoàn 1 Thiết Kỵ ra lệnh tôi tập trung liên đoàn Ðịa Phương Quân và bắt họ di
chuyển về hướng tây. Tôi làm xong việc này không khó nhưng chán nản vô cùng. Một
ông thiếu úy trẻ hông đeo Colt, tay cầm bản đồ, bên cạnh là hai thằng máy trông
oai phong lẫm lẫm tâm sự với tôi.
"Nếu
không gặp mấy anh chúng tôi còn chạy nữa. Bọn tôi dừng lại không phải vì lính của
anh dàn hàng ngang ở dưới kia đâu. Anh thấy không, bọn tôi dừng lại trước khi
anh cho lính ra chận nút mà. Tôi biết chắc chắn trung úy không ra lệnh bắn nếu
bọn tôi cứ tiếp tục chạy, phải không?"
Tôi
nghĩ bụng, tay này cũng là một tay "xịn" đây. Anh ta nói tiếp:
"Từ
khi Thủy Quân Lục Chiến rút khỏi Quảng Trị, tụi tôi có cảm tưởng mình bị bỏ rơi.
Dân bỏ đi theo các anh, các cơ quan hành chánh, tiểu khu, chi khu cũng bỏ đi hết,
bọn tôi ở lại để tự sát à? Tôi là dân Sài Gòn thấy dân chúng bỏ đi còn sốt ruột
huống gì lính tráng, tụi nó là dân địa phương, gia đình vợ con bỏ chạy, không
đào ngũ là may rồi, còn nói gì đến đánh đấm."
"Tại
sao gặp tụi tôi, mấy anh không chạy nữa?"
"Tụi
tôi nghĩ Thủy Quân Lục Chiến đã về hết Ðà Nẵng rồi, như vậy tức là bỏ Quảng Trị,
bỏ Huế, nên chúng tôi chạy. Bây giờ thấy mấy anh còn đây, tức là vùng này không
bị bỏ, mà đã không bị bỏ rơi thì chúng tôi đâu có sợ."
Sau
khi liên đoàn 913 di chuyển hết vào phía núi, tôi nhận lệnh tiểu đoàn lên quan
sát Công Binh giựt cầu Mỹ Chánh. Cầu xe lửa đã không sử dụng được từ lâu, cầu đường
bộ này cũng đã hỏng từ trận năm 72, nhưng sau đó đã được sửa chữa để sử dụng.
Tôi báo cáo chính xác những điều tôi quan sát được.
Cầu
bị bung một vài ở giữa, xe cộ không lưu thông được nhưng người đi bộ vẫn có thể
qua lại tuy hơi khó.
Lữ
đoàn 1 Thiết Kỵ ra lệnh cho tôi đưa một trung đội lên nằm chận phía nam cầu
cùng với hai chiếc M-48, trung đội còn lại vào sâu trong núi đến nằm chung với
chi đoàn 1.
Gặp
đại úy chi đoàn trưởng, người thẩm quyền đã yêu cầu tôi cho vị trí chính xác tối
hôm qua. Bây giờ tôi mới hiểu lý do sự bết bát của ông ta. Ông tốt nghiệp khóa
2 Chiến Tranh Chính Trị Ðà Lạt. Ðang từ một chức vụ chuyên môn là chiến tranh
chính trị của Thiết Giáp, ông đã này nọ để được ra chỉ huy một chi đoàn. Hết ý
kiến!
Buổi
tối, chúng tôi theo chi đoàn 1 đến vị trí khác đóng quân đêm. Tôi vừa đặt xong
hai chốt tiền đồn thì nhận được lệnh di chuyển. Lý do di chuyển là liên đoàn
913 Ðịa Phương Quân cảm thấy "lạnh gáy" khi chúng tôi dời đi chỗ khác
nên đã báo cáo ẩu lên lữ đoàn 1 Thiết Kỵ là họ nghe thấy tiếng di chuyển của xe
xích sắt ở phía trong núi, yêu cầu được chúng tôi nằm chận đầu.
Trời
đã tối, hai cái chốt của tôi đã gài xong mìn và lựu đạn, bây giờ phải gỡ hết
đâu phải là chuyện dễ, sau đó đến vị trí mới lại phải gài lại. Gài hay gỡ mìn tự
động, lựu đạn là một chuyện rất nguy hiểm, ban ngày còn có người chết, huống hồ
là ban đêm. Tôi quyết định không gỡ và khi đến đóng chốt ở vị trí mới cũng
không gài, bù lại, lính phải gác theo kiểu đang đụng trận, nghĩa là cứ hai người
một vọng gác, người thức người ngủ thay phiên nhau.
Ngày
22 tháng Ba, lãnh lương. Trung đội 2 của Huy mập lãnh lương xong, tôi hướng dẫn
ban quân lương lên cầu Mỹ Chánh phát cho trung đội 1. Nhà cửa khu đầu nam cầu Mỹ
Chánh đã tanh banh hết, không còn dấu vết đang phục hồi sau ngày ngưng bắn, rất
ít căn nhà còn nguyên vẹn. Lại mất rồi cái chợ Mỹ Chánh, lại mất rồi những tiệm
ăn quán nhậu.
Pháo
binh vẫn bắn đều từ phía sau qua bờ bắc. Tại đây cũng vẫn ăn pháo một cách rất
"vu vơ" từ bờ bắc bắn qua không trúng đâu vào đâu cả nhưng vẫn phải đề
phòng, biết đâu đạn "lạc" trúng mình. Với kinh nghiệm nhiều năm trong
nghề ăn 130 ly, hễ Việt Cộng pháo mình thường thì trúng chỗ khác, nhưng nếu nó
nhắm bắn vào chỗ khác thì nên coi chừng, rất dễ "lạc" vào chỗ mình
vài quả như chơi. Y hệt như mấy ông cảnh sát và nhân dân tự vệ ở thành phố, nếu
nhắm thẳng mình mà bắn thì bảo đảm trăm phần trăm là an toàn, vì luôn luôn
trúng người khác, còn nếu mấy ông ấy mà nhắm người khác hoặc bắn chỉ thiên thì
coi chừng, trúng mình là cái chắc!
Trong
khi trung đội 1 lãnh lương, tôi ra đầu cầu quan sát qua phía bắc, thấy Việt Cộng
xuất hiện lẻ tẻ trên đường lộ, tôi cho bắn, vì chúng thập thò nên khó biết được
là bắn có trúng không. Có tiếng loa vọng sang từ bờ bắc:
"Ðừng
bắn nữa, vài hôm nữa Huế cũng còn không giữ nổi nói gì đến Mỹ Chánh mà bắn cho
mệt."
Mẹ
kiếp, bọn này lúc nào cũng một tấc đến trời, nhưng lần này tôi nghĩ có lẽ chúng
nói thật, vì nhớ lại lời anh Phát làm ở Hạ Viện là hoặc cắt đất ở An Lỗ, hoặc ở
Lăng Cô; nếu cắt đất ở Lăng Cô thì Huế mất là "cẳng" rồi. Hơn nữa,
tôi nghe trung sĩ nhất Ðăng, thường vụ đại đội nói: "Em nghe BBC nói 12 giờ
trưa ngày 25 này là bàn giao Huế". BBC không từng là đài phát thanh đáng
tin cậy nhất từ xưa đến giờ hay sao?
Nhưng
mà, mẹ kiếp, như vậy thì nhục nhã quá, chúng tôi đánh nhau với Việt Cộng như người
lớn đánh với con nít, dĩ nhiên là cũng có chết chóc, nhưng vừa đánh vừa đùa
chúng tôi vẫn chiếm gọn được bất cứ một mục tiêu nào được chỉ định. Khốn nỗi đã
quá nhiều lần chưa đánh mà chỉ toàn nhận lệnh rút, cứ rút loạn xà ngầu đâm ra hỗn
loạn, đâm ra mất chỉ huy. Lính đã mất chỉ huy sẵn súng trong tay càng gây thêm
hỗn loạn.
Việt
Cộng đã hết thập thò và tôi cũng hết hứng chơi trò tập bắn. Tôi về chỗ PC trung
đội 1 viết vắn tắt mấy chữ nhờ ban quân lương mang về Sài Gòn đưa cho mẹ tôi:
"Người ta đánh nhau nhưng ở tận mãi đâu, chỗ con đang ở mang tiếng là khủng
khiếp nhưng thực sự vẫn còn yên. Ở nhà yên tâm về con".
Một
ngày trôi qua rất thoải mái với thêm một chai rượu thuốc mà hậu trạm ở Huế gửi
ban quân lương mang ra cho tôi.
Ngày
23 tháng Ba, tiểu đoàn cho biết là tôi hết nhiệm vụ tăng phái. Chúng tôi trở về
đại đội nhưng không có xe đến đón, có nghĩa là chúng tôi phải cuốc bộ. Dĩ nhiên
khi người ta cần mình thì bao nhiêu phương tiện di chuyển mà chẳng có, đến khi
không còn cần đến mình nữa thì đừng có hòng. Tôi hiểu thân phận mình như vậy
nên tuy hơi ngán đoạn đường quá xa, nhưng bù lại, trong suốt thời gian tăng
phái, chúng tôi thực sự đã không phải làm một việc gì đáng gọi là việc. Tôi chỉ
tức một điều là Thiết Giáp không có xe đưa trả chúng tôi về đơn vị gốc trong
khi chi đoàn 1 lại có xe đi Huế mua mía về nhai với nhau.
Ðang
tập trung con cái ra quốc lộ 1, chỗ làng Chánh Môn, thì Ðiểu, phụ tá ban Ba tiểu
đoàn gọi máy cho biết là đợi tại chỗ, chính Ðiểu sẽ hướng dẫn xe lên đón. Gặp
Ðiểu và hai chiếc GMC không phải là xe và tài xế của tiểu đoàn, khi xe chạy tôi
hỏi Ðiểu:
"Mấy
cái xe này ở đâu ra vậy?"
"Tôi
cũng không biết là của đơn vị nào, thấy xe không chạy ngang qua tiểu đoàn, tôi
chận lại bắt đi đón mấy ông."
Cám
ơn sự cà ngơ của mấy cái xe này.
Ði
ngang qua Bộ chỉ huy của lữ đoàn 1 Thiết Kỵ, nơi này không còn là một căn cứ
quân sự nữa vì đã vắng tanh vắng ngắt, tôi chỉ còn thấy mấy đám khói bốc lên,
khói của những đám lửa phá hủy hồ sơ và những thứ không mang theo được. Thảo
nào bọn tôi được trả về đơn vị gốc, vì còn ai nữa đâu để mà sử dụng bọn tôi.
Tôi sực nhớ là liên đoàn 913 Ðịa Phương Quân cũng biến đâu mất tự bao giờ rồi,
chỉ còn lại chúng tôi và Chi đoàn 1 Thiết Kỵ. Chúng tôi đi, không hiểu chi đoàn
của ông đại úy Chiến Tranh Chính Trị làm Chi đoàn trưởng bao giờ thì rút, hay
là các ông xếp lờ đi để họ nằm chận hậu vô thời hạn.
Ðiểu
cho hay thiếu tá Thành đã làm tiểu đoàn trưởng, thiếu tá Toàn tức Hitler và đại
úy Phó đã đi Ðà Nẵng để qua tiểu đoàn 18.
Tôi
nhận lệnh vào căn cứ Hòa Mỹ. Căn cứ này rộng mênh mông, ngày trước là doanh trại
của Dù và Thiết Giáp, bây giờ trở thành Bộ chỉ huy của tôi, một thằng trung úy
và hai trung đội. Tôi không biết đường xá và ngõ ngách của căn cứ mặc dầu trước
đây đại đội tôi đã có lần tăng phái cho Thiết Giáp nằm trong căn cứ này cả
tháng. Tôi chọn đại một chỗ đóng quân và tổ chức phòng thủ đêm, không phải là
phòng thủ căn cứ mà là phòng thủ trong căn cứ, vì không còn ai trong căn cứ Hòa
Mỹ này ngoài chúng tôi.
Ðêm
có trăng, tuy không sáng nhưng cũng đủ hữu tình để chúng tôi nhâm nhi cho hết
ít rượu còn lại. Rải tuyến xong, bữa nhậu nhà binh vừa được bày biện, chưa kịp
lai rai, tôi đã nhận lệnh của tiểu đoàn đưa một trung đội tăng phái cho tiểu
đoàn 5 đang đụng ở sông Bồ, phía tây nam cầu An Lỗ. Trung đội 1 đã nằm giữ cầu
Mỹ Chánh một mình, bây giờ đến lượt trung đội 2 của Huy mập đi. Thằng nào đi cứ
việc đi, thằng nào còn lại cứ việc nhậu.
Ðang
ăn nhậu nửa chừng, tôi lại nhận lệnh. Lần này chúng tôi đi nốt.
Vượt
qua hàng rào phòng thủ của căn cứ, nơi còn sót lại rất nhiều mìn bẫy, nhưng may
mắn chúng tôi qua an toàn bằng đường mòn mà lúc trước những tên lính
"dù" đi chơi khi căn cứ còn đóng quân. Băng qua thửa ruộng nhỏ, đi
vòng theo bìa làng Ðồng Lâm, vào sâu trong núi, chúng tôi có nhiệm vụ làm gạch
nối cho đồi 51 và quốc lộ 1. Quá nửa khuya chúng tôi đến được vị trí ấn định, bố
trí sơ sơ để nghỉ ngơi, vì tôi đoán chắc chúng tôi còn phải di chuyển trong
đêm.
Các
tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân của liên đoàn 14 đáng lý phải nằm bắt tay hàng ngang với
chúng tôi để trải dài tuyến phòng thủ bỗng dưng biến mất, chỉ còn trơ ra mấy đại
đội của tiểu đoàn tôi nằm lẻ loi trên vài cái đỉnh đồi.
Khoảng
4 giờ sáng ngày 24 tháng Ba, đại đội tôi nhận nhiệm vụ làm gạch nối ở làng Ðồng
Lâm để yểm trợ cho đại đội 1 và đại đội 2 rút ra từ phía núi. Trời sáng rõ khi
các đại đội 1 và 2 ra đến quốc lộ. Ðại đội 1 nằm lại để đại đội tôi rút. Dân
làng Ðồng Lâm đứng nhìn chúng tôi rút quân, thật khó để tôi có thể phân biệt được
ánh mắt của họ căm thù hay thích thú. Ðại đội tôi về đến đồi Chẻ -cây số 23- nằm
lại khi đại đội 1 rút qua mặt chúng tôi. Có vài tên du kích từ trong làng ra
bám chúng tôi từ xa xa. Việt Cộng pháo 130 ly ra quốc lộ như mưa để chận đường
rút của chúng tôi nhưng không chính xác nên không có thiệt hại nào.
Ðang
di chuyển chúng tôi phải ngừng lại nhường một cánh quân Ðịa Phương Quân đang
kéo từ hướng đông về quốc lộ. Có hai lý do, thứ nhất, chúng tôi là đơn vị chận
hậu nên phải đi sau cùng, thứ hai chúng tôi không muốn bị lộn xộn mất chỉ huy
như kinh nghiệm 72, rất dễ bị trà trộn.
Buổi
trưa đại đội tôi phối hợp với một đại đội Biệt Ðộng Quân -không hiểu từ đâu hiện
ra- rải quân nằm ở bờ bắc sông An Lỗ, trong khi tất cả tiểu đoàn tôi nằm ở bờ
nam. Nhưng rồi khoảng 2 giờ trưa, đại đội Biệt Ðộng Quân lại biến mất. Họ không
báo cho chúng tôi biết và họ cũng không đi qua cầu An Lỗ. Tôi không đoán nổi là
họ đi lối nào và lúc nào. Tôi báo cáo về tiểu đoàn. Chỉ còn đại đội tôi nằm ở bờ
bắc cầu An Lỗ. Lúc 4 giờ chiều tôi nhận lệnh rút về phía nam cầu. Chúng tôi về
nằm dọc bờ sông ngay chân cầu.
Dân
chúng ở đây không chạy hết như tôi nghĩ. Ngay trong khu vực đóng quân của tôi
có một ngôi chùa đang tấp nập dân chúng đi lễ. Tôi không biết là ngày lễ gì nhưng
quang cảnh quanh ngôi chùa rất thanh bình. Tôi tự cảm thấy thừa thãi khi xuất
hiện tại đây với đầy đủ vũ khí, trang bị của một thằng lính ngoài mặt trận.
Hình như người dân ở bờ nam cầu An Lỗ không biết hay không cần biết đến những
chuyện đang xảy ra sát cạnh họ, ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn đến cuộc sống của
họ. Tôi thực không thể hiểu vì lẽ gì và tại sao người dân ở đây lại có thể bình
thản đến như vậy.
Súng
vẫn nổ liên hồi ở sông Bồ nhưng tôi đã mất liên lạc với trung đội 2 của Huy mập
từ đêm hôm qua, khi chúng tôi rời bỏ căn cứ Hòa Mỹ, không hiểu bọn nó giờ này
ra sao.
Tôi
lại nhận lệnh ra quan sát và báo cáo về chuyện Công Binh phá cầu An Lỗ. Một người
lính gác nói với tôi.
"Vừa
có một chiếc Jeep chạy qua cầu, cũng có một bà già đi qua bên kia, không hiểu họ
có về kịp không."
Tôi
chỉ có nhiệm vụ quan sát và báo cáo chứ tôi đâu có chỉ huy toán phá cầu, nên
tôi đâu có quyền hoãn lại để đợi họ trở lại. Tôi nói:
"Họ
không về kịp là tại cái số của họ phải ở lại với Việt Cộng. Tao đâu có quyền
hoãn chuyện phá cầu."
Kết
quả phá cầu không được như ý, chỉ có xe là không lưu thông được, còn người đi bộ
vẫn qua lại thoải mái. Không hiểu toán Công Binh này thực sự không muốn phá cầu
hay tại họ không đủ khả năng. Tôi báo cáo kết quả này lên tiểu đoàn và xin phá
thêm một lần nữa. Tiểu đoàn trả lời:
"Toán
công binh không thuộc Thủy Quân Lục Chiến nên không thể ra lịnh trực tiếp cho họ
được. Phải xin lên trên, nhưng hiện giờ số thuốc nổ của họ cũng đã hết, nếu xin
được chắc cũng không kịp. Muộn rồi."
Tôi
không hiểu ý nghĩa của tiếng muộn rồi nên kỳ kèo thêm:
"Ngày
hôm nay không kịp thì ngày mai, chứ cái cầu như vậy thì coi như đâu đã
phá."
"Thôi
được, để tôi xin, nhưng chắc chắn với anh là không kịp đâu. Vô ích!"
Không
hiểu tiểu đoàn xin thật hay chỉ hứa với tôi để tôi khỏi kỳ kèo.
Khoảng
6 giờ chiều Huy mập gọi:
"520
- 272."
"Nói,
tại sao giờ này ông mới chịu lên "mai"?"
"Cái
"mai" của tôi banh rồi 520. Tôi phải mượn của bọn "con
cua"."
"Cho
tôi biết tình trạng của ông ra sao. Khỏi ngụy."
"Tụi
tôi banh hết rồi, còn có mấy mống thôi, lại sắp phải ủi thêm cú nữa. Tôi cũng bị
thương rồi."
"Mấy
thằng bị thương ra sao?"
"Tôi
xin tải thương nhưng bọn "Lươn Ðen" -Tiểu đoàn 5 Hắc Long- bắt tự
túc."
"Sao
ông không xin thẳng 324?"
324
là thiếu tá Tiền, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 5 Hắc Long, tháng trước ông còn là
tiểu đoàn phó tiểu đoàn 4 tôi, người nổi tiếng "ngon lành" khi trực
tiếp chỉ huy chúng tôi đánh trận Cửa Việt ngày ngưng bắn.
"324
biết rồi, ổng còn nói: "Thầy trò mày rán làm cho tao cú nữa, đây là trận đầu
của tao ở bên này".
"Thôi
được rồi, tôi xin bên mình lo cho ông. Còn ông gom con cái lại. Ðây là lịnh của
tôi không ủi nữa vì bất cứ lý do gì. Ông nghe rõ không?"
"Rõ,
520."
Tôi
gọi đại đội trưởng, Ðại đội trưởng bó tay. Tôi liên lạc với tiểu đoàn, tiểu
đoàn hứa sẽ can thiệp.
Khoảng
7 giờ tối, tôi liên lạc thêm một lần nữa với tiểu đoàn yêu cầu lo gấp cho trung
đội 2. Tiểu đoàn trả lời bất lực. Tôi liên lạc với trung đội 2 nhưng không được.
8
giờ tối, khi tôi đang cố gắng liên lạc với trung đội 2, Ðại đội trưởng gọi tôi
lên họp.
"Ông
cho con cái trang bị nhẹ tối đa, bằng mọi giá phải về đến Thuận An trước 6 giờ
sáng mai. Ai tới trễ sẽ bị bỏ lại vì chỉ có một chuyến tàu đón mình về Ðà Nẵng
thôi."
Bây
giờ tôi mới hiểu tiếng "muộn rồi" của tiểu đoàn. Tôi hỏi:
"Còn
trung đội thằng Huy mập sao?"
"Bỏ!
Ðại đội có một bản đồ thôi, tôi không chia cho ông được, ông về chuẩn bị khi
nào có lệnh của tôi thì đi."
"Sao
tiếng bỏ của ông nghe gọn quá vậy 369?"
"Chứ
ông thấy còn cách nào khác không? Bây giờ chỉ còn mỗi một việc là lo được cho
thằng nào thì lo. Ông về chuẩn bị đi."
Tôi
bước ra, muốn khóc. Mẹ kiếp, bạn nhà binh tình nhà thổ, không ai lo cho bọn nó
cả, còn tôi lại không thể nào lo được cho tụi nó. Tiếng súng vẫn nổ dữ dội phía
sông Bồ. Không hiểu nó có nghe lệnh tôi rút ra ngoài hay lại nổi máu điên mà ủi
tiếp. Ai chứ thằng Huy mập này thì mê ủi lắm.
Ðại
đội tôi trang bị nhẹ. Súng cối mang theo mười quả đạn, đại liên một dây 100
viên, M-79 một dây sáu quả, M-16 một băng; mỗi người lính hai quả lựu đạn, một
bao gạo sấy, một lon thịt hộp; tất cả những thứ bỏ lại vứt hết xuống sông An Lỗ,
quần áo mùng mền cũng vứt.
Tôi
cố gắng liên lạc với Huy mập nhưng vẫn không được. Âu cũng là phần số. Hy vọng
nó bám được theo tiểu đoàn 5.
9
giờ tối tôi nhận lệnh di chuyển, đại đội tôi đi sau cùng của tiểu đoàn. Khi đi
ngang chỗ đại đội trưởng, ông ta đã bỏ đi từ trước.
Tôi
liên lạc một cách nhẫn nại với trung đội 2. Trời đã không phụ tôi. Trung sĩ
Khang trung đội phó trả lời tôi ở đầu máy bên kia:
"Tao
gặp 272."
"520
chờ."
"Thôi
khỏi, mày nói 272 ngay bây giờ kéo hết con cái ra quốc lộ, ngay bây giờ, nghe
rõ không?"
"Rõ,
520."
"Cố
gắng kéo hết con cái ra quốc lộ, theo dòng người về Huế."
Tôi
yên tâm. Với trung đội 2 tôi đã cố gắng hết khả năng của tôi. Những thằng bị thương
tùy thuộc vào trung đội trưởng và những thằng còn khỏe mạnh của trung đội. Nếu
tôi không cố gắng liên lạc, chưa chắc bọn nó chịu nằm yên, nhưng cũng chẳng còn
ông xếp nào nghĩ đến cái trung đội què quặt đang bị bỏ rơi.
Bập
bùng trước mặt là đám lửa của chiếc M-48 cháy nằm ngay trên quốc lộ. Ðó đây
trên đường lộ, xác của những người lính bất hạnh nằm chết đủ kiểu. Ðoàn người vẫn
đi qua, chỉ có những cái nhìn ném về phía những xác chết. Dòng người càng lúc
càng đông, đại đội tôi bị lẫn trong dòng người đang di chuyển về phía nam. Thỉnh
thoảng trên đường chúng tôi di chuyển, bọn du kích xuất hiện bắn chận chúng
tôi, y hệt cái kiểu năm 72 đã tạo ra đại lộ kinh hoàng, nhưng lần này không phải
là cuộc rút chạy hỗn loạn của năm 72. Tuy không dễ chỉ huy như bình thường nhưng
chúng tôi không bị lẫn lộn với các đơn vị Bộ Binh hoặc Ðịa Phương Quân, cũng
không bị lẫn lộn với những người dân, tuy rằng cũng có những đơn vị khác, cũng
có một ít dân chúng cùng chạy với chúng tôi, nhưng vẫn có một sự khác biệt của
một đơn vị còn chỉ huy nên những cái nút chận của bọn du kích không có khả năng
chận được chúng tôi lại. Và cũng nhờ ở sự trật tự này nên nếu có bọn Việt Cộng
trà trộn vào, cũng không dám giở trò ném trái khói chỉ điểm hay dùng máy truyền
tin để điều chỉnh pháo binh của chúng như hồi năm 72.
Tuy
nhiên tôi là thằng ích kỷ, chỉ biết đến đại đội mình nên tôi đã ngầm khuyến
khích lính của tôi đi càng nhanh càng tốt, tôi đã rất lỏng lẻo trong việc kiểm
soát lính, thậm chí tôi còn lờ đi khi thấy lính tách khỏi hàng đi vượt qua mặt
tôi. Ðại đội tôi tan dần vào dòng người, cuối cùng chỉ còn tôi và vài người
lính thân tín. Trung sĩ Khang gọi cho tôi biết là đã gặp đại đội chỉ huy của tiểu
đoàn, những người lính bị thương không thể đi được đã được gửi theo xe cơ hữu của
tiểu đoàn. Tôi yên tâm hoàn toàn về trung đội 2.
Tôi
đi vượt lên trên, gặp đại đội 1, thật tuyệt hảo! Ðại đội 1 vẫn đi một hàng dọc
bên lề đường, các sĩ quan đi ngoài hàng ngang với trung đội của mình và người đại
đội trưởng, đại úy Tài, tay cầm một khúc cây làm roi đi lên đi xuống theo đại đội,
miệng la hét chửi bới và cả quất roi vào đít những tên lính nào bỏ đứt đoạn hay
đi chệch ra khỏi hàng. Ðại đội 1 di chuyển như đang thực tập bài di hành trong
quân trường, chứ không phải đang rút lui gấp cho kịp tàu. Gặp tôi đi tới, đại
úy Tài hỏi.
"Ðụ
mẹ, đại đội mày đâu?"
"Loạn
xà ngầu hết rồi anh Hai." -Chúng tôi vẫn gọi đại úy Tài là anh Hai, anh
Hai Tài.
Anh
Hai Tài cầm roi nhắp nhắp về phía tôi:
"Ðụ
mẹ, năm roi nghe mày!"
Tôi
cười cười ngượng ngượng:
"Lên
tàu rồi đánh, anh Hai. Em đi trước nghe."
"Ờ,
tới Huế rán gom đại đội lại nghe mày, thằng láu cá!"
Qua
ngã ba An Hòa, đã gần 12 giờ khuya, tôi đi thêm một đoạn nữa, đến chỗ đèn sáng
ngồi nghỉ, đồng thời để dễ gom lính lại. Khoảng hơn nửa tiếng sau, tôi gom được
gần hai chục mạng chậm chân hơn tôi, tiếp tục kéo nhau đi.
Ðến
cầu Bạch Hổ, tại chòi gác ở gần cầu, tôi thấy một người lính Nghĩa Quân quần áo
súng đạn rất chỉnh tề đang đứng gác. Tôi ngạc nhiên hỏi:
"Giờ
này còn đứng gác cái mẹ gì ở đó, cha nội?"
"Em
không nhận được lệnh gì hết."
"Lệnh
cái con cặc, tiểu đội trưởng mày đâu?"
Một
người lính già tay xách khẩu súng chạy lại.
"Dạ
tôi."
"Huế
bị bỏ rồi, ông còn gác cái gì nữa. Tôi là trung úy ra lệnh tan hàng, về lo mang
vợ con đi gấp nghe không!"
"Dạ."
Thật
tôi không thể hiểu nổi tại sao mấy ông xếp lại có thể nhẫn tâm bỏ lại lính
tráng mà chạy lấy thân như vậy, trong khi tình hình đâu đến nỗi. Trung đội 2 của
Huy mập đã bị mấy ông xếp bỏ rơi. Không, tiểu đội Nghĩa Quân này bị lừa ở lại
thì đúng hơn. Những loại ông xếp vô liêm sỉ này trong quân đội chắc chắn không
phải là ít. Không hiểu hiện giờ ở khắp Quảng Trị Thừa Thiên này có bao nhiêu đơn
vị nhỏ còn đang phải thi hành nhiệm vụ nào đó trong khi các ông xếp của họ đã
ung dung ở Ðà Nẵng hoặc Sài Gòn. Xin hãy gắn anh dũng bội tinh với nhành dương
liễu cho những ông xếp này. Ờ mà hình như cũng chẳng phải xin, vì thường ra thì
huy chương được gắn nhanh và nhiều vào ngực áo của những thằng chẳng bao giờ biết
đánh đấm là gì. Xin cám ơn những cái huy chương.
Một
bà già đứng ở cửa một túp lều bên vách tường thành Phú Văn Lâu, một tay cầm đèn
dầu, tay còn lại quẹt nước mắt liên hồi, nhìn chúng tôi. Tôi hỏi bà cụ:
"Răng
không đi mệ?"
"Mệ
không có tiền để đi con ơi!"
"Tụi
con cho mệ tiền, hay mệ đi chung với tụi con."
"Chừ
hết kịp rồi con ơi!"
No comments:
Post a Comment