Sunday, September 13, 2015

"ĐÈN CÙ" - MỘT NỖ LỰC "TRỤC ĐỘC"

Nguyễn Xuân Nghĩa - Để "trục độc", ai muốn hiểu ra cái ác tại đầu nguồn của đảng Cộng sản Việt Nam, khởi đi từ Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh cho tới mãi sau này, thì nên đọc - và đọc kỹ - bộ Đèn Cù của Trần Đĩnh.
Trong cả ngàn cuốn sách mà người Việt Nam và ngoại quốc đã viết về hiện tượng Cộng sản tại Việt Nam, cuốn Đèn Cù của Trần Đĩnh có một vị trí riêng. Đó là sách thuộc loại bán chạy trong năm dù ở trong nước còn là bán chui và bị tịch thu. Mãi sau này, Đèn Cù sẽ là tài liệu tham chiếu của rất nhiều người. 


Đọc hết quyển I cuốn Đèn Cù, mỗi độc giả lại có một cách thẩm định. 

Chỉ riêng phản ứng "không thể đọc chơi rồi bỏ" của nhiều độc giả cũng đủ nói lên giá trị đặc biệt của tác phẩm. Chẳng những vậy, đọc rồi, không ít người đã viết ra và lưu truyền nhận xét của mình. 

Trong số này, một số độc giả còn mau mắn... hài tội tác giả để nói về sự khôn ngoan tinh tế của họ. Nhẹ là "sao giờ này mới viết cái chuyện ai cũng biết?" Nặng hơn thì "có ý chạy tội cho Hồ Chí Minh". Thậm chí còn chạy tội cho Trung Cộng. Hoặc cuốn sách ra đời trong một âm mưu mờ ám để cho thấy là so với các lãnh tụ cộng sản Việt Nam ở đầu nguồn thì thế hệ ngày nay đã đổi mới, v.v... 

Đôi ba người tinh quái lại xoáy vào nội tâm tác giả - hay của chính mình. 

Họ nói đến phản ứng tình dục lồng trong chính trị. Biết đâu chừng, bản năng thâm sâu ấy khiến một người bị kết tội "chống đảng" như Trần Đĩnh lại chỉ đi cải tạo thay vì bị tù đầy như các "đội bạn" của nhóm "Nhân văn Giai phẩm", hoặc các nhân vật lãnh tội "xét lại chống đảng" ngày xưa. 

Vẫn biết rằng khi đã xuất bản, tác phẩm hết còn là của tác giả, mọi người đều có quyền phán xét khen chê như vậy. Nhưng sự khen chê ấy cũng tùy trình độ - và cả giác độ - của người đọc. Được một cái là càng bị đây đó dị nghị thì cuốn sách lại bán càng chạy...

Thế rồi, do nhà xuất bản Người-Việt ưu ái yêu cầu - có thể là với sự đồng ý của tác giả - người viết này may mắn được đọc bản thảo của quyển hai. "May mắn" cũng là một phán xét! Cái giá phải trả là... viết đôi lời giới thiệu. 

Cung kính bất như tuân lệnh. 

*** 

Giữa đám đông còn om xòm về quyển I, người viết xin chỉ vạch ra hai tội của Trần Đĩnh: một là mê văn hóa Trung Hoa, như nhiều người có học khác. Hai là mê lý tưởng cộng sản, ban đầu kết tinh vào Hồ Chí Minh hay Trường Chinh. 

Là người uyên bác - làm không ít độc giả hụt hơi khi đọc và phải đọc lại - Trần Đĩnh có biệt tài ngôn ngữ của một nhà văn lớn. Nhưng trước hết, ông hiển nhiên biết nhiều ý hay nghĩa của chữ "mê". 

Ban đầu, ông chỉ là "con mê", một loại nai, bị khớp đèn của các lãnh tụ trên rừng xanh khi họ chưa có dân trong tay để xiết. Trong tuổi thanh xuân ấy, mê có thể là thích, ai chẳng biết vậy? Nhưng mê quá cũng làm ta mờ trí, chẳng mê tín thì "mê thất" là lạc đường, đầu óc mụ mị. Trong cõi "mê hoang" mờ mịt ấy, người ta khó thấy được thực hư - và có khi là đồng lõa của tội ác.

Mê còn hàm ý mân mê sờ soạng - Lê Đức Thọ hiểu cảm giác này ở trong tù. Sờ quá thì mất luôn cảm giác, như "tê mê", hoặc mê như bị chất ether trên giường bệnh. Hay bê bết dơ dáy như "chân mình đầy cứt mê mê"....

Đọc lại Đèn Cù I và đọc qua quyển II, chúng ta sẽ thấy ra ngần ấy nét "mê"! 

Người viết này không nói quá mà vẽ rắn thêm chân. Ở chương 49 trong quyển II, chúng ta sẽ thấy ông luận bàn đầy tâm đắc với một người trong Nam, thuộc Việt Nam Cộng Hoà, về tiến trình phơi bày bản chất ô uế của đảng Cộng sản Việt Nam như "mở nắp bô". 

"- Việt cộng mải mê vùi cứt cho ông anh [là Trung cộng] nên không dọn được cứt mình ngập hết bản thân mình và... - Và đang được nhân dân bới ra, vâng, chính xác, dân đang mở nắp bô đấy." 

Mê như vậy từ khi còn trai trẻ, sau cùng thì Trần Đĩnh đã tỉnh dần sau nhiều lần choáng váng. Mà không chỉ tỉnh lấy một mình. Từ hơn hai chục năm nay, ông muốn viết lại cả tiến trình giải thoát của bản thân và giải độc cho người khác. Nên người viết xin đề nghị một từ là "trục độc". 

Để "trục độc", những ai muốn hiểu ra cái ác tại đầu nguồn của đảng Cộng sản Việt Nam, khởi đi từ Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh cho tới mãi sau này, thì nên đọc - và đọc kỹ - bộ Đèn Cù của Trần Đĩnh. 

Người sính văn chương có thể cất công xếp loại Đèn Cù là tự truyện hay hồi ký, bút ký, v.v... Qua quyển II, ta mới nhận ra nét chung là Trần Đĩnh nhớ gì kể nấy, như người viết tùy bút. Khổ nỗi, đây không là tùy bút của Mai Thảo hay Nguyễn Tuân để giải trí mà nhằm giải độc... Ông lần giở ký ức như con tầm nhả tơ vì cái nghiệp, những sợi tơ rướm máu bạn bè và người thân, hoặc đầy mùi xú uế của đảng. 

Nếu quyển I của Đèn Cù có những chương tập trung về các thủ phạm của cái ác, quyển II viết nhiều về các nạn nhân, trong đó có những người đáng kính trọng, ít ra là đáng được thông cảm. Trần Đĩnh kể lại thế giới của ông qua cả trăm giai thoại, với nhiều nhân vật còn xa lạ cho những ai không sinh hoạt trong môi trường hắc ám đó. Nhưng nếu cứ tưởng ông rút ruột viết ra từng đoạn rã rời thì người đọc vẫn chưa thấy được công phu trục độc. 

"Sợi chỉ xuyên suốt" những đoạn tùy bút u ám vẫn là cái gian và cái ác của "Việt cộng". Dùng từ này, Trần Đĩnh trả lại ngữ nghĩa nguyên thủy và chính xác là Cộng sản Việt Nam. Y như khi ông viết về Trung cộng. 

Nhưng nếu chỉ là về từng nhân vật ngẫu hứng nhớ lại thì tùy bút Đèn Cù chưa đi tới tận cùng của trục độc - hay mở nắp bô để xả mùi xú uế. 

*** 

Trần Đĩnh đọc nhiều, thuộc sử đảng và không hề quên mối quan hệ với Liên Xô cùng Trung Cộng từ thời Đệ tam Quốc tế cho đến ngày nay. Cho nên về từng người hay từng việc, ông đều nhắc lại dẫn chứng, nhất là trong báo đảng hay từ người trong cuộc. 

Với nhiều độc giả thuộc thế hệ về sau, khung cảnh lịch sử ấy là một mê cung ngoắt ngoéo nên quyển II của Đèn Cù còn bắt người đọc phải nhớ tới hoặc đọc lại lịch sử cận đại. 

Trong từng mô tả về sự gian ác, đôi khi ông có cái lý "giảm khinh" là cái ngu của mấy kẻ trên chóp bu. Dù là ngu thì được cái gian bù lại. Xin đọc Trần Đĩnh kể lại về hậu trường của "Cách mạng Tháng Tám" năm 1945 ở Chương 50: 

"Chỉ hai việc đầu não cách mạng Tân Trào mù tịt tin Hà Nội khởi nghĩa thành công và Việt Minh vũ trang phải được Nhật cho phép qua Cầu Đuống mới vào được Hà Nội đã đủ cho thấy vận hội khách quan vô cùng tốt đẹp của đất nước. Nói lại: vận hội của toàn dân nhưng cuối cùng đã bị Việt cộng ẵm gọn làm vốn liếng riêng của mình. [Chữ in nghiêng là của tác giả Trần Đĩnh.] 

"Tân Trào ba ngày không biết Hà Nội đã khởi nghĩa thắng lợi và Quân Chiến Khu về phải xin Nhật cho qua Cầu Đuống, chỉ hai việc ấy thôi đủ nói Việt Minh chả có đuổi Nhật gì hết. Và tuy ngày 23 tháng 8 mới vào Hà Nội, Cụ Hồ vẫn cảnh giác bắt đi vòng qua sông Hồng ở mạn cây đa làng Sọi có Vũ Đình Huỳnh chờ đón Cụ lên xe hơi qua cầu Sông Cái rồi rẽ phố Hàng Khoai và thế là Cụ đã được ngắm thủ đô ở cái góc mang tên thứ lương thực tiêu biểu nhất của dân ta – đúng là nông thôn bao vây thành thị… Rồi Cụ hài lòng ra ngay chỉ thị tiếp tục hòa hoãn với Nhật, tha Bảo Đại, một lần nữa mặc nhiên thừa nhận Quân lệnh số 1 yêu cầu tiến công Nhật, đàn áp chính quyền Trần Trọng Kim và tiêu diệt đảng phái phản động, là duy ý chí kiểu con ếch nằm trong đáy giếng." [Hết trích.] 

Từ những hồi tưởng đó, Trần Đĩnh mới kết luận là theo Việt cộng thì "bốn phương vô sản đều là anh em... "vô tổ quốc" như thế!"

Dầy dẫy trong Đèn Cù, ta gặp nhiều chuyện cực khó tin mà chỉ người trong cuộc mới thấm được theo lối "nóng lạnh tự biết". 

Trong mạch đó, độc giả có thể nhớ tới truyện giả tưởng "Đỉnh Cao Toang Hoác" (Yawning Heights hay Les Hauteurs Béantes) của nhà văn bất đồng chính kiến Alexander Zinoviev khi ông ta chơi chữ và châm biếm xã hội Xô viết. Nhưng Zinoviev còn phải dựng truyện giả tưởng, Trần Đĩnh viết về người thật, việc thật. Và xuyên qua hơn ngàn trang sách của hai quyển, Đèn Cù bổ dọc từ Marx tới Lenin, Staline, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh, cho chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ - và cả Nguyễn Văn Linh với thành tích bái Tầu để chặn Duẩn và ngăn Thọ. Còn kinh hãi hơn giả tưởng.

Tuy nhiên, và đây mới là một kỳ thú của tác phẩm, Trần Đĩnh lại viết về Hồ Chí Minh như một nạn nhân hàng đầu. 

*** 

Những ai cho rằng "Đèn Cù" có dụng tâm chạy tội cho Hồ Chí Minh thì nên đọc quyển II để nắm lấy "tang vật". 

Dù là cán bộ trước sau đã qua sáu năm đào tạo của Đệ tam Quốc tế, và sau này được quốc tế trao cho Trung Quốc dìu dắt, Hồ lần lượt là nạn nhân của Staline, rồi Mao và vì vậy mà từng thời ở nhà cũng là nạn nhân của Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ trong vụ tranh đoạt quyền bính nội bộ. Phần nào đó, Bác Hồ của Trần Đĩnh có thể là "vô can" trong nhiều chuyển động lớn chỉ vì cái tội vô tài. 

Vậy mà ngày nay Việt cộng còn nói mãi về thắng lợi của "Tư tưởng Hồ Chí Minh". Cho nên Trần Đĩnh mới phang thành tích họ Hồ: "Bịa! Chính là thất bại! Vâng, thất bại đầu tay lập đảng và thất bại đầu tay lập nước!"

Rất đáng ngạc nhiên từ một người mắc bệnh mê Hồ khi còn trẻ. Đáng ngạc nhiên hơn nữa là Trần Đĩnh không hết lời ngợi ca cụ Trần Trọng Kim. Từ đó, thế hệ ngày nay ở trong nước phải tìm hiểu xem Trần Trọng Kim là ai - và vì sao Cách mạng Tháng Tám chỉ là một trò bịp...

Quyển II của Đèn Cù được tác giả đặt tựa là "Vén Mây Giữa Trời", đọc mãi người viết này mới đoán ra Trần Đĩnh có ý phân công lao động. Bác Hồ và đảng ta chỉ là những vì sao, còn lại, Mặt Trời là những lãnh tụ xa lạ của Liên Xô hay Trung Cộng, như Lenin, Staline hay Mao... Vén mây lên, Trần Đĩnh bắn rụng cả mặt trời lẫn ngần ấy vì sao...

Mà vì sao dân ta lại khổ vậy? Cũng vì cái tội mê...

Sau khi cả dân tộc đã trả giá đắt đỏ, Trần Đĩnh viết ra chuyện mê muội ấy. Những ai muốn thế giới nhìn ra sự lầm lạc của nhiều người ngoại quốc về Việt Nam thì nên phiên dịch Đèn Cù ra ngoại ngữ. Nó cần xuất hiện bên những tác phẩm giải ảo lừng danh của thiên hạ.


Nguyễn Xuân Nghĩa

No comments:

Post a Comment